31 thg 12, 2011

Buồn


Đến biển Khánh Hội để tưởng nhớ ngư dân gặp nạn 
   Sau bốn ngày đi "làm thuê" ở Cà Mau, chiều nay đã về Sài Gòn. Chuyến đi bao kỷ niệm, trở lại với rừng U Minh và sông nước Cà Mau. Tâm trạng buồn cố tìm niềm vui sao khó thế, lẩu cá kèo, uống bia Heineken chỉ thấy vị đắng. 
  Đêm về chẳng biết nói với ai, không muốn đi chơi và ăn đêm. Đêm ở miền cực Nam dài đến sợ. 
   Đến trường THPT Khánh An làm việc, tình cờ gặp thầy hiệu trưởng người Hải Dương vào trong này từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, ngày nắng cũng như mưa thầy phải đi về nhà bằng xe máy hơn 60 cây số, giáo viên gần trường nhất cũng 7 cây số, cả trường chỉ có phòng bảo vệ, không có nhà công vụ cho giáo viên lấy đâu chỗ nghỉ cho thầy. Trường chuyên của tình bé nhất cả nước, giải quốc gia đối với họ như trong mơ, lối vào trường chỉ rộng chưa đầy 2 mét, trường xây dựng trên đất nhà thờ. Tiếp xúc với các thầy cô giáo Cà Mau mới thấy họ quá khổ, không có một nguồn thu nhập gì ngoài đồng lương, song họ rất lạc quan, trường Khánh An ngày 20-11 tổ chức lễ kỷ niệm không có quà cho giáo viên, Hội cha mẹ học sinh có ít tiền các thầy cô đề nghị mua sách vở dành cho học sinh nghèo. Lòng yêu nghề và cuộc sống mưu sinh mới giữ được họ ở lại đây.
Đến nhà thầy hiệu trưởng người HD

Đi xuồng với dân Cà Mau
Ngồi nhậu trong rừng U Minh là vậy!



Từ biệt Cà Mau về SG


24 thg 12, 2011

Đi đâu về đâu?

Quê hương 
    Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm, người già sợ hãi khi “Mỗi độ Xuân sang mẹ tôi thêm một tuổi”, Giáng Sinh cũng đến gần song đều vô nghĩa, còn những ai đi cầu nguyện đêm nay?
   Nỗi lo âu không hề thuyên giảm, bệnh xã hội ngày một nặng thêm, không có thuốc chữa. 
   Mỗi sáng mai thức dậy đâu còn “ Một ngày mới lại bắt đầu”, tất cả chuẩn bị gồng mình để chống với nạn kẹt xe, tắc đường, bệnh tật, tai nạn giao thông, giá cả leo thang, đồng tiền mất giá, sàn chứng khoán chỉ thấy màu đỏ, tội phạm ngày càng nhiều. Vậy tìm đâu được niềm vui?
  Nỗi buồn và bực tức, theo Tôn Ngộ Không hãy trở về Hoa Quả Sơn có thể làm thay đổi…






16 thg 12, 2011

Đạo đức xuống cấp thử hỏi từ đâu?

   Chỉ một ngày trên trangmegafun.vn đưa hàng chục vụ án chồng giết vợ, thầy cưỡng dâm trò tiểu học, học sinh lớp 8 giết bạn cùng lớp, tòa án ăn tiền dân, kiểm lâm chính là lâm tặc… điển hình hai vụ: 
    Ngày 9-12, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa xét xử lưu động công khai vụ hung thủ Vòng Văn Trọng, sinh năm 1970, kẻ đã ra tay sát hại người vợ - chị Đỗ Thị Thu Hà bằng hai nhát dao chí mạng. Trọng đã phải nhận mức án tử hình. Tại phiên tòa đứa con trai Vòng Thanh Trúc 13 tuổi nói trong nước mắt: “Cha không còn ý nghĩa gì đối với hai chị em con hết. Cha không biết đau trên nỗi đau của chị em con. Cha đánh đập mẹ đau nhưng cha không biết trong lòng chúng con còn đau hơn. Và điều đau đớn nhất là chính cha đã chém những nhát dao chí mạng làm mẹ chết ngay tại chỗ. Cha còn tuyên bố: “Hai đứa chúng mày tự lo lấy bản thân”, vậy thì giờ con còn dám tin những lời biện minh của cha nữa không? Con không cần cha nữa và đề nghị Hội đồng xét xử tử hình đối với cha con...!.”
Chuyên thứ hai: Mẹ giết con để thanh thơi làm tình với chồng hờ.
Dương Thị Lưu từng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tỉnh Lạng Sơn, về giảng dạy tại Trường THCS xã Bắc Sơn. Cô giáo 20 tuổi đã kết duyên với Dương Doãn Khanh đồng nghiệp của mình. Đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, cho đến khi Lưu sinh đứa con trai đầu lòng. Có lẽ do Khanh là giáo viên, chỉ có đồng lương giáo viên còm cõi không đáp ứng đủ các nhu cầu của Lưu, tình cảm vợ chồng Lưu và Thanh ngày càng càng rạn nứt. Khi bé Dương Công Lân được 2 tuổi, cũng là lúc vợ chồng Lưu quyết định ly hôn. Không lâu sau, Lưu có quan hệ với Dương Doãn Thanh, sinh 1969 là người cùng thôn chung sống với nhau như vợ chồng. Lưu nói với Thanh về một gia đình thực sự nhưng Thanh tỏ vẻ lảng tránh và bóng gió rằng, khó mà sống hạnh phúc khi có sự tồn tại của đứa con riêng là cháu Dương Công Lân. Bằng chứng Thanh đưa ra những lúc Thanh đòi quan hệ với Lưu thì cháu Lân lại đang nằm cạnh vẫn chưa ngủ. Chiều lòng người tình, Lưu đã nghĩ cách giết con trai. Lưu tự viết thư, giả vờ là ông chú họ khuyên nên giết thằng bé để về sống với Thanh. Lưu đưa bức thư cho Thanh xem và bàn bạc giết bé Lân. Thanh mua vỉ thuốc ngủ đến nhà Lưu bóc lấy 2 viên đưa cho Lưu nghiền thuốc rồi hòa vào nước. Lưu gọi con vào cho uống. Đứa bé 6 tuổi ngoan ngoãn vâng lời mẹ tự tay cầm chén uống cạn sau đó Lân lên giường ngủ. Hai kẻ sát nhân lập tức bế cháu bé đến  mương nước cách nhà thả xuống để giả như Lân bị chết đuối. Khi vừa chạm nước lạnh, cháu Lân tỉnh dậy vùng vẫy, Thanh đã dùng cả hai tay tóm vào gáy và dìm mặt cháu Lân xuống nước cho đến chết. Xong việc, Thanh và Lưu giả vờ kêu khóc, nhờ người đi tìm con. Cháu Lân được phát hiện chết dưới mương nước.
  Còn điều gì xảy ra nữa đây?

14 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (P3)

    Đêm trước bố mơ thấy bà nội con về. Lưng bà còng, tóc bạc trắng, hàm răng nhuộm đen vẫn như xưa. Bà rủ bố đi theo bà. Bố nói:
-         Bà đi rồi con phải ở lại trông nom chăm sóc ông con đi sao được.
Không nói gì, bà lau nước mắt lặng lẽ bước đi…
 Bây giờ gặp lại người thân hay con cháu bà, họ đều nhắc đến bà khen bà tốt, sống tình cảm. Bố thường nói với mọi người “chẳng con nào giống tính bà”. Từ ngày bố biết cho đến lúc bà đi, cả đời bà chỉ lo lắng phục vụ chồng con. Bà âm thầm chịu đựng không nề hà bất cứ việc gì, dù buôn bán hay việc gì bà luôn lấy chữ tâm làm điều răn dạy. Bà dạy các con sống phải trung thực, đừng làm điều gì trái đạo đức. Có được tài sản, nhà cửa như ngày nay, một tay bà xây dựng, nếu có bàn ông chỉ gạt đi sợ vất vả lụy đến thân. Bà tính toán chắt chiu, tiết kiệm, chăm lo cho các con ăn học bằng người.
   Không hiểu sao từ ngày bà mất tính tình ông thay đổi cứ như bà nhập vào. Nhiều người mời ăn cỗ ông lấy lý do đau răng không ăn được, chờ ăn xong ông đến chơi nói chuyện với mọi người rất tình cảm.
  Bố không được trời phú thông minh như người khác, sinh ra từ một gia đình thuần nông, bố hiểu mình phải làm gì, con đường học hành của bố rất đáng tự hào, từ năm lớp 5 bố đã dự thi học sinh giỏi cấp huyện sau này bác Khôi cùng học với bố thời cấp 3 nhắc lại bố mới biết. Năm 1964 mấy xã mới có một trường cấp 2, bố học ở trường Hoàng Văn Thụ, tổng kết năm lớp 7 theo thang điểm Liên Xô, tất cả các môn đều đạt 5. Toán 5, Lý 5, Hóa 5, Sinh vật 5, Sử 5... chỉ có môn Văn 4+ (lúc đó cả trường có hai lớp 7  như lớp 9 ngày nay), thầy cô rất quí mến bố, mấy chục năm sau gặp lại thầy Khang người Hà Nội sống ở Sài Gòn vẫn gọi bố theo biệt danh cây toán.
Sau cải cách ruộng đất tư tưởng chủ nghĩa xã hội xuống tới tận vùng quê, đến đâu cũng nhắc đến phe Xã hội chủ nghĩa, nhìn tấm ảnh Mao Trạch Đông mặc bộ áo vét màu sữa cổ quàng khăn đỏ bế cháu thiếu niên mà thấy kiêu hãnh cho “phe mình” sao nó tươi đẹp thế. Song có mấy người biết các “ông anh” chúng ta đang đánh chửi nhau, Trung Quốc và Liên Xô đang bất đồng trên nhiều quan điểm, tranh dành quyền lực. Trên giới truyền thông suốt ngày nghe nói xấu và lên án nhau, ra đường bắt gặp đủ các loại tài liệu chống tư tưởng xét lại của Khrushchev phát không cho mọi người do Trung Quốc in. Cứ tưởng sức mạnh phe ta sắp đảo lộn cả trái đất, đế quốc chỉ còn chờ ngày diệt vong.
 Với tư tưởng của Chủ tịch Mao, các làng xã của ta hình thành các nông trang tập thể, trước mắt thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Ruộng đất, trâu bò công cụ sung vào tập thể. Gia đình nhà mình không được xét vào đợt đầu, hàng ngày nghe tiếng ý ới gọi nhau đi làm, bố thấy buồn và thua kém bạn bè hiểu được điều đó bà làm đơn cuối năm 1959 nhà mình vào hợp tác xã, bà khóc còn ông thở dài. Nhà mình lúc đó rất đông vui, sau 7 năm bà đi chữa bệnh sinh thêm chú Đ, cô Ph và chú Ph.
 Năm 1965 Mỹ đánh phá ra Miền Bắc, trường cấp 3 bố học cũng phải đi sơ tán. Hàng ngày về nhà bố theo xã viên hợp tác xã đi làm như gánh phân, nhổ mạ, gặt lúa nhưng chỉ cho ăn công phụ chẳng đáng là bao. Bố tham gia mọi sinh hoạt ở địa phương, xã đoàn tổ chức lớp học văn hóa mời bố dạy cho thanh niên.  Sợ nhất một lần bố đau bụng như chưa từng có, nhưng vẫn vác đất đắp cộng sự cho bộ đội pháo ở cầu Phú Lương tưởng rằng sẽ không sống nổi.
  Cuộc đời đâu có được suôn sẻ như theo mình muốn, sự hòa nhập như vậy bố không suy nghĩ gì cho rằng tuổi trẻ lúc đó là thế. Bố được nhà trường cử đi thi vào lớp toán đặc biệt của tỉnh nay là chuyên toán. Nhà trường yêu cầu phải có lý lịch, từ sáng sớm bà và bố vào gặp ông chủ tịch xã, lúc đó chưa một cửa như bây giờ chủ tịch giữ luôn dấu, chờ mãi ông ta ngủ dậy để ký. Về đến nhà bố đọc xong khóc tu lên, cả đời này bố không thể quên được với dòng chữ  “Chú ruột đảng viên thoái thác nhiệm vụ, cậu ruột đi lính ngụy có nợ máu với dân, bố đi hương dũng 3 tháng” thử hỏi lý lịch như vậy ai chấp thuận cho đào tạo nhân tài đất nước. Bố tìm hiểu ông chú thích văn nghệ, bỏ hết mọi công việc đi học kéo nhị về tham gia đội kịch ở xã, ông cậu thiếu úy lính nhảy dù ở Cát Bi Hải Phòng, bố đi hương dũng công việc hàng đêm ra đầu làng canh gác.
  Mấy tháng liền bố chẳng muốn học hành và làm gì. Nghe có đợt tuyển quân bố gặp bằng được anh Đức xin đi, họ bắt bố viết đơn tình nguyện lúc ấy bố 16 tuổi, người gầy và đen cân nặng 38 kg, khám sức khỏe đạt loại B2 nhưng vẫn được đi. Cả nhà buồn, bạn bè ngỡ ngàng khi biết tin này. Bước ngoặt lớn trong đời bố là đây.

12 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (P2)



     
Bà nội đã đi xa vừa đúng 20 năm, bố luôn tự hào về bà ngày xưa bố vẫn gọi là u. Bà lấy ông lúc đó nhà cụ nội nghèo lắm, là dâu trưởng bà biết phải làm gì, bà gánh vác bao công việc nặng nề trong gia đình nên họ tộc nhà mình rất kính trọng bà. Đời bà gặp nhiều bất hạnh, những lần bà tâm sự với bố bà đều khóc, khi lấy ông bà đã một đời chồng (ông chồng của bà mắc bệnh thương hàn rồi chết), về nhan sắc ông hơn bà nhưng ông rất yêu bà, bố biết cả đời ông chẳng phải lo nghĩ gì mọi thứ đã có bà. Con biết hôm bà mất, bố mẹ chỉ là giáo viên nhưng họ hàng, bạn bè tiễn đưa dài hàng vài trăm mét như thế con đủ hiểu bà sống như thế nào.
Họ hàng và người thân tiễn đưa bà
    Bố nhớ lúc ấy bố 6 tuổi, cán bộ cải cách ruộng đất đi xuống các thôn, thực hiện chính sách “Ba cùng” (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm), mấy ông đến nhà mình để xếp loại thành phần ông nào cũng thấp, gầy, đen trông dữ tướng. Mấy hôm sau thông báo nhà mình xếp trung nông vừa (trung nông vừa nhà sở hữu một con lợn và đàn gà), nhưng trong lý lịch của bố đều ghi thành phần gia đình trung nông. Sau này bố mới biết họ xếp theo cảm tính, xếp loại địa chủ, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông theo tỷ lệ sẵn, càng nhiều địa chủ càng có thành tích cao. Các bần cố nông được học lớp tố khổ do các ông đội tổ chức, theo chỉ đạo của nhóm chuyên gia Trung Quốc, lúc ấy bố còn nhớ được xem bộ phim Bạch mao nữ sau này mới thấy sao giống ta đến thế, cán bộ cải cách phát động quần chúng khuyến khích nhớ ra các tội ác địa chủ bóc lột, cưỡng hiếp, kể cả vu khống, miễn là ly gián mọi người trong làng, chính vì thế có cảnh vợ tố chồng, con tố cha, nhiều địa chủ cưu mang người nghèo trong làng nay trở thành oán, ông bác rể nhà mình chỉ là phú nông ở làng khác mà mấy năm họ hàng không dám gặp nhau kể cả giỗ tết.
    Các buổi đấu tố thường vào ban đêm họ đốt đuốc để sinh hoạt, những gia đình có người bị đấu tố ra đường không dám ngẩng mặt, gặp các ông bà bần cố nông cúi chào xưng con, dù trong họ hàng chỉ là con cháu. Sau khi đấu tố địa chủ bị tam giam chờ tòa nhân dân xét xử. Bao nhiêu địa chủ kháng chiến, đảng viên bị kết án tù và tử hình oan sai, mà chẳng phải kẻ thù nào chính chúng ta tự hại nhau, do tính ghen gét, hẹp hòi, ích kỉ.  Có nhiều người không chịu nổi để minh chứng cho sự trong sạch của mình phải tìm đến cái chết, có người kêu oan đến trung ương nhưng vẫn quyết, chẳng hạn do yêu cầu làm “điển hình”  bà Nguyễn Thị Năm điền chủ ở Đại từ Thái nguyên kiêm chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, trong tuần lễ vàng bà hiến 100 lượng vàng cho Chính phủ lâm thời. Tham khảo ý kiến chỉ đạo cố vấn Trung Quốc được trả lời: ‘Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả!’ Cuối cùng quy bà là địa chủ kết án tử hình. Thật đau sót không bao giờ rửa được!
 Sau sửa sai cải cách ruộng đất từ Trung ương tới địa phương nhất là sau Hội nghị “cần bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ chế độ” phần nào cũng nhận thấy sai lầm, không khí trong làng không còn nặng nề, u ám, tiếng chó sủa lại thấy vào buổi tối vì có người đi lại thăm hỏi nhau, bố được ra sân miếu xem các anh chị thanh niên múa hát .
Gia đình nhà mình cũng vui hơn, mấy tháng trời bà nội cắp nón đi bộ quanh huyện tìm mua được gian nhà gỗ lim của một người được chia nay đem bán. Ngôi nhà rất đẹp nếu ở thời trước chắc chắn nhà mình là địa chủ.
Hay nhất mà bố chưa kể cho con, ngày còn bé bà đi chợ, phải thuê người trông bố, bà nội kể “hay cô làm bà hai nhà tôi nhé”, bà ấy chỉ cười, sau này bố có gặp bà vẫn nghèo, đông con bố có gửi tiền và quà cho bà.

Tôi viết blog chỉ là ngẫu hứng, trải lòng mình cùng mọi người. Không chính trị chính em gì cả. dangnba.

9 thg 12, 2011

Chuyện xưa nhớ lại (phần 1)

Bác khóc sau CCRĐ (ảnh TL)

     Ngày xửa ngày xưa… tưởng đã lâu, nhưng bố vẫn còn nhớ.
 Ngày bố còn nhỏ nhà mình chưa phải là nghèo, chẳng thế mà cải cách ruộng đất họ xếp thành phần trung nông. Bà nội buôn bán hàng đồng cứ vài ngày lại lên tỉnh, rồi đi tầu lên làng Đông Mai để cất hàng, mỗi lần như vậy khi về bà thường mua vài quả cam, khi chiếc bánh mì ở quê không có cho ông và hai chị em bố. Ông nội ít học, đọc sách đánh vần từng chữ, chữ viết rất to nguềnh ngoàng sai chính tả, bà nội có phần khá hơn nhất là tính nhẩm, bố thuộc lòng câu cửa miệng của bà “bà ngoại mất lúc tao mười hai tuổi đã phải đòn gánh trên vai đi chợ kiếm tiền nuôi em và cháu”, buổi tối bà theo học lớp bình dân do mấy ông ở xã dạy được chữ nào hay chữ đó, nhưng bà thuộc nhiều thơ, có cả Nguyễn Bính và truyện thơ khuyết danh, buổi tối bên ngọn đèn dầu bà kể bố nghe chuyện “Lưu quân cống Hồ” , “Lỡ bước sang ngang” chính vì thế bố cũng thuộc, lúc đó mấy ông đội cấm đọc Lỡ bước sang ngang cho là ủy mị. Ông thường kể những chuyện dân gian, phong tục cổ  theo “Thọ mai gia lễ” bố hiểu thế nào là hiếu thảo với cha mẹ, thờ cúng, tang lễ ngày xưa.
Năm 1953
    Mãi sau này bố mới biết lúc đầu có tên là Cốt, sau đổi lại như tên bây giờ vì ông bác họ nói cốt là xương là nhục, chuyện này chính bác ấy kể cho bố nghe, duy nhất anh M con của bác hiện đang ở Sài Gòn vẫn gọi tên Cốt.
    Những năm chiến tranh nhà mình ở trong xóm trại giữa cánh đồng, bố sinh ra ở đó năm bố lên hai hay ba gì đó chỉ bà còn nhớ, tây đi càn đốt cháy hết, hai chị em cõng nhau ra đầu làng ngồi khóc, lúc đó ông đi làm, bà đi chợ, bà bảo "thế là trắng tay" duy nhất còn sót lại chiếc chăn vải nhuộm củ nâu và cái đồng hồ Con gà của Pháp để trong cái nồi dấu ở vườn, đến nay chiếc đồng hồ vẫn còn để ở quê gần bằng tuổi bố.
   Bố cũng đã từng đi xem nông dân tố khổ do mấy ông đội chỉ đạo, nói đến các ông đội dân ai cũng sợ, không biết họ có tài gì mà để cho mọi người căm thù địa chủ phú nông đến thế, họ quát mắng địa chủ hơn cả con, họ lấy của địa chủ chia cho diện bần cố nông từ cái nồi, mâm bát đến con trâu, mảnh ruộng, nhà mình chẳng được chia gì. Bố được thấy mấy người đứng lên chỉ mặt địa chủ “vu oan giá họa” đổ tội cho họ, các bác địa chủ có người bố biết chỉ biết im lặng vì cãi là chết, có bác sợ quá tè cả ra quần. Thật đáng thương cho xã hội lúc bấy giờ chính ta lại vả vào mặt ta.
         HN 12/2011
 Tôi viết blog chỉ là ngẫu hứng, trải lòng mình cùng mọi người. Không chính trị chính em gì cả. dangnba.

5 thg 12, 2011

Thất vọng Bộ trưởng họ Đinh



Hà Nội - hàng ngày là vậy, không nhất thiết phải giờ cao điểm
Nhân vật của năm - Bạn chọn ai ? (Nháy chuột để xem ảnh)

  Trên Vnexpress có mục Nhân vật của năm- Bạn chọn ai? Với 6 nhân vật nổi tiếng mọi người đều biết vì thường xuyên xuất hiện trên truyền thông. Đây không phải bình chọn như Vịnh Hạ Long có chuyện lùm tùm, ông Nguyễn Văn Bình Thống đốc ngân hàng mấy tuần nay được xếp hạng đứng đầu, tiếp sau ông Đinh La Thăng Bộ trưởng GTVT, bà Nguyễn Thị Kim Ngân Phó Chủ tịch QH đội sổ.
  Liên quan tới thông tin đó tôi nhặt trên báo lề phải nhắc đến nhiều tới ông Bộ trưởng Đinh La Thăng. Số báo gần nhất đăng trao đổi qua điện thoại vào tối 2-12 với PV.
“Đây là cuộc vận động, CBNV trong ngành cần gương mẫu đi đầu trong việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ùn tắc, dù số cán bộ ít ỏi của Bộ tham gia đi xe buýt cũng góp phần làm giảm kẹt xe".
Nhưng thực tế văn bản lại ghi rõ: "yêu cầu CBCNVC sử dụng xe buýt tối thiểu 1 ngày trong tuần". 
Tại sao lại có cách hiểu "tréo ngoe" vậy, thưa Bộ trưởng? Ông trả lời:
- Không nên bắt bẻ chữ nghĩa như vậy, quan trọng là mục đích hướng tới là cái gì? Đây là một cuộc vận động chứ không phải bắt buộc. Nếu nhân viên cấp dưới không đi xe buýt thì tôi cũng sẽ không phạt họ đâu. Thực tế, với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được.
Là người quản lý đầu ngành mà ông nói vậy thật chán cho ông. Ông không hiểu về Văn bản là thế nào?
  Xem trên VTV thấy lái xe Nguyễn Đình Trường cho phóng viên chui xuống gầm xe để có thể ghi lại cảnh tượng kỳ lạ: Thay cho việc sửa chữa phanh xe, người ta dùng dây thép buộc chiếc clê gá vào thay cho một chiếc vít chuyên dụng; tại một nơi chiếc clê như vậy còn ở vị trí. Một chiếc khác ở vị trí bánh xe khác đã bị rơi chỉ còn trơ đoạn dây thép mỏng manh. Ở hai vị trí khác người ta còn buộc bằng dây cao su!
 Thấy như vậy chỉ có dân là liều đi. Còn ông lo ngại không dám đi xe buýt là đúng, đấy là kỹ năng sống hiện nay phải dạy cho học sinh đừng chết một cách vô ích.

1 thg 12, 2011

Quan và Dân

   Hồi còn nhỏ vẫn thường nghe người lớn nói “Miệng quan trôn trẻ”. Giới truyền thông lề phải mấy tháng nay dùng tập hợp từ “ Lợi ích một nhóm người” có phải vì thế làm thay đổi tư duy của lãnh đạo. 
  Mới hôm nào được nghe tôi luôn đứng về quyền lợi của 90 triệu dân nay thì hoàn toàn khác.  

Tóm lại thì Petrolimex lỗ hay lãi?

29 thg 11, 2011

Chỉ còn nhìn anh qua tấm kính

    Chưa đầy hai tuần tiễn đưa hai thầy giáo ra đi, không biết khi nào đến mình đây? Cái đó là quy luật ai mà cưỡng được. Đức Phật đã dạy trong bài Kinh kệ có bốn câu: 
Thiên thượng thiên hạ 
Duy ngã độc tôn 
Nhất thiết thế gian 
Sinh lão bệnh tử 
Dịch
Trên trời dưới đất 
Chỉ ta tôn nhất 
Tất cả thế gian 
Sinh, già, bệnh, chết.

  Nhận được tin Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Khỏa nguyên Hiệu trưởng trường THPT Kinh Môn đã mất, tôi lặng người đi. Tôi ân hận chưa kịp về thăm anh khi biết anh nằm viện ở Hải Phòng, tuổi già anh mắc nhiều chứng bệnh cả gan và máu. Anh từ biệt cõi dương về với tổ tiên bước sang tuổi 72.
 Tôi biết anh từ những năm 1976 lúc đó anh dạy ở trường cấp 3 Kinh Môn, mấy năm sau anh làm Hiệu trưởng. Sau này tôi thường xuyên làm việc với anh. Nhắc đến anh mọi người rất quý mến.
Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn
  Một cán bộ quản lý như anh có năng lực, khiêm tốn, hòa đồng, nghiêm túc trong công việc, vui vẻ lúc đời thường, anh rất tôn trọng người tài, năm 2000 anh bỏ tiền tặng hai giáo viên giỏi “Chiếc bút vàng” tương đương 1 chỉ vàng 999 (lúc đó mua được chiếc xe Mifa của Đức), dấu ấn ấy vẫn được giáo viên trong trường nhắc đến ngày nay. Mọi bước thăng trầm của anh tôi đều chứng kiến vui nhất ngày anh được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
 Đặc biệt anh có tài tổ chức các Hội nghị, mít tinh bài diễn văn của anh luôn được khen-rất “hoa lá”, mặc dù anh là giáo viên Sinh nhưng anh làm thơ có hồn, đã có nhiều bài đăng trên báo Giáo dục-Thời đại. 
Thượng Hải năm 2002
 Năm 2002 tôi dẫn đoàn sang thăm Trung quốc trong đó có anh, mọi người tôn anh làm sư phụ, anh không biết tiếng Trung chỉ ra hiệu như người câm, hôm sang Bắc Kinh anh bị lạc ở ga mọi người tìm mãi.
  Tôi nhớ lần dự Hội nghị với anh ở TP HCM, thời đó phải có tiêu chuẩn mới được đi máy bay, lần đầu tiên anh đi, lúc ra sân bay anh nói với tôi “ Đêm qua anh không ngủ được, thắp hương cầu khấn cho chuyến đi an toàn”, tôi cười “ tất cả là số tránh sao được hả anh”.
 Mặc dù quy luật nghiệt ngã là vậy, không ai thoát được song anh đi tôi vẫn thấy tiếc và buồn.

28 thg 11, 2011

Dạy con


Chẳng ai muốn làm hành khất 
Tội trời đày ở nhân gian 
Con không được cười giễu họ 
Dù họ hôi hám úa tàn.

Nhà mình sát đường, họ đến 
Có cho thì có là bao 
Con không bao giờ được hỏi 
Quê hương họ ở nơi nào?

Con chó nhà mình rất hư 
Cứ thấy ăn mày là cắn 
Con phải răn dạy nó đi 
Nếu không thì con đem bán.

Mình tạm gọi là no ấm 
Ai biết cơ trời vần xoay 
Lòng tốt gửi vào thiên hạ 
Biết đâu nuôi bố sau này…
 

Trần Nhuận Minh

27 thg 11, 2011

Tư duy "Ông chủ" và Nghị trường Quốc hội !

  Trên trang QuêChoa có bài viết của tác giả Sao Hồng không biết có phải là kẻ địch hay không, nhưng qua bài viết ngẫm câu Tục ngữ Việt Nam "Thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng", nếu bài viết này các ông bà đại biểu Quốc hội đọc được sẽ suy nghĩ gì?

   Quốc Hội khóa 13 đã kết thúc kỳ họp thứ 2 ngày hôm qua, 26/11. Kỳ họp thứ nhất, sau bầu cử là để sắp xếp và tổ chức bộ máy hành pháp trung ương. Vì thế nhân dân, đại cử tri, chưa thực sự biết được chất lượng của cơ quan dân chủ và người đại diện cho mình. Chỉ có kỳ họp thứ hai vào dịp cuối năm, khi chương trình nghị sự của Quốc Hội bàn đến những vấn đề dân sinh dân chủ gắn liền với cuộc sống thiết thực của người dân, thì đại biểu quốc hội (ĐBQH) thông qua hoạt động của họ, mới có dịp thể hiện và bộc lộ mình.
Hay nói cách khác, ĐBQH sẽ có dịp cho người dân biết họ có đủ trình độ, tư cách, bản chất và có xứng đáng để đại diện cho cử tri? Đại Biểu Quốc Hội, họ là ai ?
Điều 1, chương I cũng định rõ: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp….”.
Như vậy, diễn đàn của Quốc hội là diễn đàn (đại diện) của nhân dân. ĐBQH là đại diện cho nhân dân.
Diễn đàn Quốc hội (nghị trường) phải là một nơi tiêu biểu cho nền dân chủ. Mọi hoạt động, vận hành đều phải theo phương cách dân chủ nhất, pháp quyền nhất.
Tư duy của ĐBQH tại nghị trường cũng phải là tư duy dân chủ. Bởi vì, họ phải mang tâm thế, tình cảm, lương tâm, nguyện vọng của số đông là nhân dân. Mỗi lời nói, mỗi câu hỏi chất vấn, sự nghiêm túc và chăm chỉ trong hoạt động của họ đều phải là đại diện cho số đông.
Thế mà kỳ họp thứ hai của Quốc hội, khóa 13 đã để lại không ít ấn tượng thất vọng trong lòng nhiều cử tri.
 Qua 29 ngày hoạt động, không phải tất cả 500 ĐBQH có cơ hội phát biểu, tranh luận hay chất vấn. Thời gian cho họ cũng không nhiều, nhưng những gì mà một số ĐBQH “thể hiện” cũng đủ để nhiều cử tri thất vọng. Họ cảm thấy tiếc cho lá phiếu của mình đã đặt nhầm chổ.
Chỉ một vài vị trong số 500 ĐBQH thể hiện cũng đủ để làm lu mờ hình ảnh và mục tiêu mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, đang phấn đấu hướng đến. “Xây dựng một nhà nước pháp quyền do dân và vì dân”
Tư duy và phong cách của nghị trường Quốc hội kỳ họp vừa qua mang không khí, dáng dấp của cuộc giao ban của các ông chủ hơn là một nghị trường tiêu biểu cho nền “dân chủ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp”.
Một chủ tịch điều hành phiên chất vấn như một ông Tổng giám đốc điều hành cuộc họp công ty tư nhân. Ông có thể cắt ngang bất cứ lời phát biểu của ĐBQH, nếu ông muốn. Lúc khen lúc chê chứ ít khi lắng nghe và phân tích ĐBQH có nói đúng – sai so với nguyện vọng cử tri?!
Một ĐBQH đứng lên đọc một bài viết sẵn nhằm đả phá “nhiệm vụ và chức năng” của chính Quốc hội về quyền lập pháp, với lý do là luật (biểu tình) làm ra sẽ chống “chính phủ và thủ tướng”!? (Hoàng Hữu Phước)
Một ĐBQH thay vì chất vấn người điều hành chính phủ lại ca ngợi thành tựu chống lạm phát và yêu cầu Thủ tướng “định hướng” cho họ đầu tư vào đâu thì sẽ sinh lợi cho công ty và doanh nghiệp của ông !? (Đặng Thành Tâm)
Một ĐBQH ngây thơ trình một dự luật vu vơ mà chính mình cũng chưa hình dung ra nó sẽ điều chỉnh cái chi chi. Chỉ vì ý tưởng luật đó được phôi thai từ các cuộc “trà dư tửu hậu” nơi quán nhậu và cà phê!? (Nguyễn Minh Hồng)
Một ĐBQH vốn là thủ lĩnh của một tập đoàn đã và đang vi phạm nghiêm trọng luật “bảo vệ môi trường”, lại trình một dự luật “bảo vệ quyền riêng tư”, chỉ vì đời tư của mình bị lên mặt báo quá nhiều!? (Đặng Hoàng Yến)
….
Chỉ bấy nhiêu vị đó thôi, đều doanh nhân tư nhân, đã thể hiện vai trò của họ ở nghị trường. Cũng là để cử tri có cơ hội nhìn lại và đặt vấn đề vai trò và chất lượng của ĐBQH khóa 13.
Họ đại diện cho ai? Cho nhân dân hay cho cá nhân và nhóm quyền lợi của họ ?
Có bao nhiêu ĐBQH khóa 13 là doanh dân mua phiếu bầu (của cử tri hoặc ban bầu cử) để vào nghị trường Quốc hội. Nơi họ đã và sẽ đánh bóng tên tuổi, trục lợi cho mình và nhóm quyền lợi của họ ?
Hướng đến một nền PHÁP QUYỀN DO DÂN VÌ DÂN thì trước hết nghị trường Quốc hội phải là nơi mang tư duy dân chủ vì dân & do dân chứ không phải tư duy của các ông chủ !
Thế mới thực sự là “pháp quyền dân chủ” ! Dù là dân chủ tư bản hay dân chủ “định hướng” xã hội chủ nghĩa !
 Chủ nhật, 27/11/2011
Tác giả gửi cho Quêchoa

25 thg 11, 2011

Nếu là thi nhiều vị sẽ phải thi lại

    Qua mấy ngày theo dõi trả lời chất vấn của Quốc hội mặc dù không được nghe tất cả nhưng qua đây càng hiểu và thông cảm với học sinh đi thi.
   Ông Đinh La Thăng cho rằng trả lời chất vấn như đi thi, đúng là thế. Học sinh đi thi không được chuẩn bị trước, không có đề cương ôn tập và nhất là không có “phao” chắc chắn sẽ bị điểm thấp tất nhiên chờ năm sau thi lại.
   Toàn những nhà quản lý ưu tú, những người đứng đầu các Bộ nghành, đều có bằng cử nhân và tiến sỹ, kể cả người đứng đầu Chính phủ khi trả lời chất vấn còn run, đọc theo bài viết sẵn, không hiểu câu hỏi của cử tri, trả lời lòng vòng, lảng tránh câu hỏi khó, câu giờ, trả lời sai thiếu tính thuyết phục, nếu gặp câu hỏi không có trong đề cương chuẩn bị trước tất cả đều im lặng.
  Nếu chấm điểm những vị trả lời chất vấn theo tiêu chí như “ thi vấn đáp” thì nhiều vị phải thi lại, đừng trách học sinh thi đại học sao lắm điểm kém đến thế.  

24 thg 11, 2011

Vui-vui- vui

Nghi án U23 Việt nam trong trận Việt Nam - Lào mặc dù 3-1 nhưng nhiều người đã ngửi thấy mùi...Ngày mai sẽ truy tìm.

23 thg 11, 2011

Ông Thăng không hiểu bài

    Từ ngày ông Đinh La Thăng nhận chức Bộ trưởng GTVT, cử tri cả nước rất kỳ vọng về ông, đại diện lớp trẻ dám nghĩ dám làm, nhiều việc mang tính đột phá như trảm tướng, cấm cán bộ trong ngành chơi golf, Bộ trưởng đi xe buýt làm việc, thay đổi giờ làm việc để chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội…Chính vì thế nhiều cử tri chờ đợi ở phiên chất vấn hôm nay tại Quốc hội. Các đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), Bùi Thị An(HN) hỏi rất rõ ràng minh bạch.
 Với vài ba câu lòng vòng mở đầu của ông Thăng đã thấy khẩu khí của ông thế nào rồi, tư duy trí tuệ của ông để đâu mà trả lời yếu đến thế cứ vòng vo lặp đi lặp lại, học vị của ông là tiến sỹ không biết ngành gì chắc chắn không phải giao thông, nên ông không biết gì về chuyên môn, tất cả những câu trả lời không có cơ sở khoa học toàn cảm tính, nói theo như đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (LĐ) đã phải chất vấn lần thứ hai :
 "Nếu trả lời lòng vòng như bộ trưởng thì ai cũng làm bộ trưởng được" . Trong dạy học như thế được gọi là học sinh không hiểu bài. 
 Ngay trưa nay đài truyền hình Hà Nội đưa tin Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời câu hỏi không đáp ứng được nguyện vọng của các đại biểu.

22 thg 11, 2011

Chương đi thật rồi

    Sáng nay đến nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai tiễn đưa Nhà giáo Trần Ngọc Chương, gặp khá đông bạn bè cùng lớp có người từ ngày ra trường nay mới gặp lại. Tôi và Chương cùng tổ học tập trong bốn năm đại học, tôi coi Chương như em trai, nhà Chương ở Đường Tàu Bay (nay là đường Trường Chinh) bố Chương làm công nhân nhà máy ô tô, mẹ nội trợ, nhà Chương đông em Chương là lớn. Tôi hay qua nhà chơi có lần mẹ Chương làm bánh trôi bánh chay cho chúng tôi ăn. Bây giờ ông bà đã mất cả mấy năm trước gặp bà còn nhận ra tôi.
 Tốt nghiệp đại học Chương dạy cao đẳng sư phạm Quảng Ninh. Năm 1985 Chương về Hà Nội học cao học, và dạy tin cho trường Việt Ba.
  Tôi nhớ một lần đến nhà, Chương “dọa tôi” và cho xem máy tính 286 mà Chương bỏ tiền ra mua.
-          Cái máy 286 mấy cây vàng chứ có ít đâu, bây giờ em quên cầm bút, mọi công việc viết lách toàn gõ máy, kể cả soạn giáo án. Chương cho tôi xem tờ đôla lần đầu tiên tôi được biết, và kể xin việc cho bọn trẻ:
-           Người ta mất tiền xin việc còn em mua con bê ở Ba Vì mời mọi người dự buổi “bò tùng xẻo” mấy hôm sau có quyết định. Nghe nói vậy tôi cứ tròn mắt cảm phục chú em khác xưa quá, sau này ngồi uống rượu với nhau, Chương bảo:
-           Anh vẫn nhà quê như xưa cái gì cũng tin. Rồi cười với nhau.
Sau này về Hà Nội nhà tôi gần nhà Chương, thỉnh thoảng Chương rủ tôi đi ăn món khoái khẩu đó là thịt chó. 
  Chương mắc bệnh tiểu đường từ mấy năm nay, bệnh nặng từ hè đến giờ, mặc dù có em trai bác sỹ ở viện 198 tận tình cứu chữa nhưng không qua khỏi. Trước đó một tuần Chương vui khi các cháu đã yên bề gia thất, công ty gia đình phát triển tốt song còn nhiều điều dang dở mà chưa thực hiện được.    

  Bạn bè chúng tôi ngồi ngoài chờ lễ truy điệu, tôi lắng nghe  mấy người nói chuyện thời sự mà ghê cả người:
-          Quốc hội có những ông như Hoàng Hữu Phước chẳng còn gì để nói, phí cả phiếu bầu
-          Các ông bị lừa cả rồi, ông Phước là “con mồi” để mọi người chú ý vào đó, quên đí những chuyện lạm phát, tham nhũng, đặc biệt là vụ Vinashin thế là thắng lợi rồi.   
Tôi tin không phải là thế, nếu thật như vậy thì hỏng cả rồi! 

18 thg 11, 2011

Người Việt rất giàu

Sáng nay không tin vào mắt mình khi Vietnamnet đăng tin và cho đến chiều nay dantri cũng đưa tin, như thế đã là thật chưa? Mùa này làm gì còn "cá tháng tư". 
Một ngân hàng trả 210 triệu USD mua nợ Vinashin
Chắc đây không phải là Ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng này chưa lộ diện làm như vậy coi thường tái cơ cấu Vinashin do Chính phủ đề ra, Vinashin đến "bước đường cùng" làm gì có sức để đi làm thuê, trong nhà có chó, có con đâu mà bán? 600 triệu đôla nay họ chỉ mua lại với 210 đôla chỉ có mà tự sát để trốn nợ?
  Bạn hãy dự đoán ngân hàng nào của Việt mà mạnh thế?

16 thg 11, 2011

Thầy - Trò (20-11-2011)


   Còn mấy hôm nữa mới đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các em học sinh cũ thường niên đến thăm thầy vào dịp này. Năm nào cũng vậy các em đến bao giờ cũng có hoa tặng thầy như ngày còn đi học, một cử chỉ đáng quý và trân trọng. Mỗi khi gặp nhau các em nhắc lại sự tinh nghịch của thuở học trò, thầy chỉ cười như trẻ lại và tự hào nhìn các em đã trưởng thành.



Học sinh trường năng khiếu Hải Hưng nay là trường Chuyên Nguyễn Trãi

Cuối cùng điểm chia tay là nhà hàng
Học sinh Thanh Hà khóa đầu


14 thg 11, 2011

Đại hỷ

Chỉ trong vòng 5 ngày một gia đình có hai tin vui lớn
Ngày 8/11 bà Bà Nguyễn Thanh Phượng được bầu làm thành viên HĐQT của ngân hàng Bản Việt


Ngày 11/11ông Nguyễn Tiến Nghị  Ủy viên dự khuyết TƯ nhận chức Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Hiếm có ở Việt Nam có một gia đình như vậy!

Bài viết của ông Nguyễn Trung

Nguyễn Trung

12 thg 11, 2011

Bệnh thành tích khó chữa

  Hai ngày đi vắng không truy cập sao mà lắm tin hay đến vậy. Các cụ vẫn dạy Hữu xạ tự nhiên hương sao không nhớ. Xin phép được post hai bài:
Trên blog Sổ tay Thích học toán 
Công viên Thống Nhất
  Anh bạn này của Cụ Hinh từng đi tu nghiệp ở tận bên nước Mỹ, thế là giỏi, lại đẻ được cả con ở xứ đó, thế mới tài. Được ít lâu sau mấy bố mẹ con lục tục về quê lập nghiệp.
  Cậu bé thật lạ nước lạ cái khi ra đường… và nhất là khi đến trường ở quê nhà. Nhiều lần ở trường về cậu nước mắt ngắn nước mắt dài, sà vào lòng mẹ thậm thụt "mẹ ơi, con không thích làm người Việt". Bố mẹ sợ quá, đóng kín hết các cửa lại, gắng khuyên cố nhủ "ấy chết, con phải cố gắng chứ, rồi thì sẽ quen hết".
  Ngày tháng thoi đưa, mọi chuyện cũng ổn dần.
Năm nọ, bố mẹ chiêu đãi cậu đi một chuyến chơi Dysney Land ở xứ ngoài.
   Nay thì cậu bé đã là học sinh giỏi văn trong lớp.
----
   Hôm trước cậu chạy về nhà khoe bố mẹ bài văn của mình mới được trả, được điểm rất cao.
Bố mẹ chắm chúi đọc bài văn, rồi bật cười ngã quay cu lơ ra đất.... "Em đã đi thăm công viên Dysney Land ở nước ngoài, nhưng công viên Thống Nhất của nhà mình còn muôn phần đẹp hơn!"
----
Công viên Dysney Land
  Cậu bé đã chui kín vào trong chăn, đang cười ngây ngất hơn cả bố mẹ, rung tít cả giường! 


Trên blog của Văn Công Hùng 

   Sáng nay mình đã post bài "Sông Mã gầm lên khúc độc hành", coi như là "xong" chỉ tiêu của ngày, nhưng rồi lần mần đọc mấy trang mạng, lại thấy không thể chịu nổi mà phải viết những dòng này.
Ấy là cái tin ở một trường học nào đó ở Quảng Bình, cô hiệu trưởng thu của mỗi lớp 30 ngàn đồng để cô (và tập thể thầy cô) nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long cho đủ... chỉ tiêu từ trên bổ xuống. Học trò nông thôn làm gì có điện thoại để nhắn, mà có cũng không được sử dụng, thế thì các thầy cô phải nhắn, nhưng "tiền đâu phải vỏ hến", và cũng chưa đến nỗi... điên như cái anh gì nhắn 1 hơi hết 7 triệu đồng tiền tiết kiệm rồi lấy tiếp tiền ăn sáng của con để nhắn cho tên mình nổi lềnh phềnh trên báo, các thầy cô đành phải bổ vào đầu học sinh. Khổ thân các cháu, lũ lụt như thế, ăn chưa đủ no, cả đời chưa biết cái Hạ Long nó tròn méo ra sao, thế mà phải bấm bụng nộp tiền để bầu.
Ấy là cái ảnh cháu nội của ông bộ trưởng Văn Thể Du Hoàng Tuấn Anh, người chủ trò bầu trọn này, mới 5 tháng tuổi, cũng quấn khăn đỏ trên đầu "Vo - Te- Pho" và cầm điện thoại nhắn tin bầu chọn Hạ Long. Nghe đâu bức ảnh này được trang New seven word bầu là kỷ lục về tuổi nhỏ nhắn tin bình chọn. Thảo nào mà dân trí nước mình ngày càng cao, IQ ngày càng lộng lẫy. Đứa bé 5 tháng tuổi cũng đã biết "bầu chọn Vịnh Hạ Long" là yêu nước.
Tội nghiệp cho cháu mới 5 tháng tuổi đã diễn hề

Là định không viết gì về việc này nữa, bởi không lại bị bẩu là hội chứng đi ngược, nhưng quả là, không thể chịu nổi...
     À mà đây, ý kiến bằng thơ của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên bộ trưởng Văn Thể du, nguyên UVBCT, nguyên trưởng ban tuyên giáo trung ương:
                     Trầm ngâm trên biển xanh 
                     Hạ Long không nói về mình
                     …
                    Vượt ra ngoài dục vọng


                    Khổng lồ mà thong dong...
                             Ngày 12-11-2011