27 thg 8, 2011

Văn hóa "Từ chức"

   Nhiều nước trên thế giới việc từ chức đơn giản và nhẹ nhàng, không nặng nề. Họ biết sai phạm và xin được "Từ chức".

  Cuối cùng ông Naoto Kan đã thực hiện đúng cam kết từ chức sau những tháng nắm quyền. Ông Kan nói với quốc dân rằng ông tin là trong thời gian 1 năm 3 tháng ông tại chức, nội các của ông đã đạt được tiến bộ về cải cách thuế khóa, các chính sách xã hội khác và góp phần giúp Nhật Bản hồi phục sau thiên tai ngày 11 tháng 3 và tai nạn hạt nhân tiếp theo đó. Trận động đất mạnh 9.0 độ richter đã gây ra trận sóng thần lịch sử, thiên tai đã làm 20 nghìn người chết và mất tích. Trong  cuộc họp báo cuối cùng của ông với chức vụ thủ tướng: Ông thừa nhận điều ông gọi là sự bất lực của ông trong việc ứng phó đầy đủ sau các vụ tan chảy lò phản ứng hạt nhân. 
   Mặc dù ông được nhiều người đánh giá cao trong suốt thời gian làm Thủ tướng, song vẫn không cưỡng nổi việc ông ra đi.
   Điều cuối cùng ông cần nói "Chúng ta sẽ nhắm mục tiêu để có được một xã hội tồn tại không có điện hạt nhân”
   Văn hóa Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới cao thượng đến vậy. Ông Kan từ chối không công du Hoa Kỳ vào tháng tới theo lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama. 


26 thg 8, 2011

Chiến tranh ác độc vậy

  Tối nay định ngủ sớm để xem trận đấu giữa Barcelona-FCPorto, nhưng đọc được tin trên BBC mà thấy đau lòng. Muốn chia sẻ cùng mọi người CHIẾN TRANH ÁC ĐỘC VẬY.
Ông Gaddafi cũng trở thành biếm họa
  Sau 41 năm cầm quyền đại tá Gaddafi vẫn quyết tử đến cùng với quân nổi dậy. Cả hai bên đều thiệt hại, đau đớn nhất là những người lính chẳng biết hy sinh vì ai?  
  Bác sĩ Hoez Zaitan làm việc ở bệnh viện cho biết những binh sĩ này là tù binh của quân đội Gaddafi ở Tripoli. Họ đã bị tra tấn và sát hại khi quân nổi dậy chiếm được thủ đô hồi đầu tuần. Khoảng một nửa các thi thể có những vết đạn từ phía sau gáy trong khi một nửa còn lại có chân tay bị biến dạng, các thi thể này đang được khám nghiệm để tìm các chứng cứ đưa ra trước tòa án về tội phạm chiến tranh, xác của ít nhất 12 tay súng trung thành với Gaddafi, có hai người trong số đó bị trói tay sau lưng. 
  Một trong số các thi thể có ống chuyền dịch trên cánh tay, trong khi vài thi thể khác biến dạng do bị đốt cháy.

Thư giãn cuối tuần- Xẩm chợ



20 thg 8, 2011

Hạ điểm

   Danh từ "hạ điểm" chẳng lấy gì làm vui nhưng sự thật biết làm thế nào. Bởi mở đài và tivi là nghe thấy "điều hành quyết liệt" thông cảm vậy thôi chứ đâu phải"năng lực".
   Ngày 19/8 một lần nữa Standard & Poor’s, cơ quan thẩm định tài chính của Mỹ lại hạ điểm tín nhiệm của Việt Nam. Trong bản thông cáo, Standard & Poor’s xác định  đã giảm điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng nội tệ của Việt Nam (tức là tiền đồng) từ mức BB xuống thành BB-.
   Riêng điểm tín nhiệm nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam vẫn được giữ ở mức BB-, và điểm tín nhiệm dành cho nợ ngoại tệ ngắn hạn cũng được duy trì ở mức B. “Việt nam đang đối mặt với những rủi ro về bất ổn kinh tế và tài chính trong ngắn hạn”.
   Tuy nhiên, S&P cho rằng, với khả năng thu hút vốn FDI tốt, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5% trong năm nay chứ không thể là 6% như Chính phủ đặt ra. 

17 thg 8, 2011

Kéo rào ngược

      Không biết những người làm pháp luật có được học mệnh đề không? Hiện nay học sinh lớp 6 và lớp 10 đều được học “Tập hợp, mệnh đề”. Tôi nhớ ngày học ở HV CTQG HCM có đưa vào chương trình nhưng chắc rằng không mấy người quan tâm cho là chuyện vặt. Nhưng trong cuộc sống thường xuyên tiếp cận với “mệnh đề” mà ta không biết.
   Xin được nhắc lại “ Mỗi mệnh đề (logic) chỉ có đúng hoặc sai", không cho phép vừa đúng vừa sai. Triết lý sâu sắc nhất “Mệnh đề A suy ra B”, tương đương với nó “không B thì suy ra không A”. 
  Trong công việc lớn hay nhỏ, nếu xuất phát điểm mà sai thì dù có ngụy biện thế nào vẫn không thể suy ra bất cứ điều gì đúng. Thời gian gần đây pháp luật mắc phải lỗi này mà không biết hay cố tình lờ đi, các cụ vẫn bảo sự việc như vậy là “kéo rào ngược”.

14 thg 8, 2011

Thư giãn đêm Chủ nhật

Chính phủ vẫn bình chân như vại

Biểu đồ nợ công của Việt Nam 5 năm qua (nguồn Bộ TC)
   Tân Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ tại hội thảo về việc tổ chức kiểm toán đối với nợ công, đã nói “Quan điểm của tôi, là nếu Chính phủ vay một đồng mà tạo ra tăng trưởng GDP và thu ngân sách lớn hơn một đồng thì càng vay nhiều càng có lợi. Nhưng mấu chốt vấn đề là quản lý rủi ro”, 
  Tôi "rất dốt" về kinh tế nhưng cũng hiểu thế nào là nợ công và thấy lo cho đất nước mình mấy năm qua kinh tế "xuống quá". Xin có vài nhời tâm sự:
   Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - cũng không thoát khỏi họa nợ công và phải hứng chịu hệ lụy từ việc hạ định mức tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ.
   Phải chăng, nợ công ở Mỹ hay châu Âu chính là những “tấm gương xấu” để chúng ta phải tích cực xử lý sớm nợ nần? Các học giả kinh tế trên thế giới quan niệm, khủng hoảng tài chính thường xuất phát từ ba khu vực: khủng hoảng tiền tệ (tỷ giá hối đoái), khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng nợ công.
  Năm 2006,Bộ Tài chính Mỹ thảo luận về vấn đề nợ công, nhiều nước tỏ ý lo ngại, nợ công của Mỹ sẽ là vấn đề lớn trong tương lai. Một quan chức phía Mỹ đáp: “Yên tâm, nợ công Mỹ còn chưa đến 100% GDP, Nhật Bản còn nhiều nợ công hơn chúng tôi. Ai cầm trái phiếu Mỹ là cầm vàng”.
   Quan chức này cũng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Alexander Hamilton, Bộ trưởng Bộ Ngân khố đầu tiên của Mỹ,(1789 - 1795): “Nợ nước Mỹ là vàng”.
   Mấy tuần trước chứng kiến nước Mỹ sống trong những ngày bên bờ vực vỡ nợ và sự mặc cả nâng trần nợ công cũng như sự kiện S&P đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ Mỹ từ AAA xuống AA+, thêm một lần nữa, hồi chuông cảnh báo nợ công lại được gióng lên với Việt Nam.
   Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2007, nợ công là 33,8% GDP nhưng từ 2008, tỷ lệ này nâng lên 36,2%; 2009: 41,9%; 2010: 56,7%. Năm 2011, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) dự kiến nợ công sẽ đạt 1.375 nghìn tỷ đồng, tương đương 58,7% GDP.Nhưng đó là theo cách tính của Việt Nam, còn nếu áp chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì nợ công hiện lên tới 72% GDP.

13 thg 8, 2011

Bốn dấu ấn

   Sáng 13/8 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội khoa học Việt Namh (VUSTA). GS Chu Hảo có bài phát biểu:


   Dấu ấn thứ nhất mà chúng tôi thiết tha mong muốn ông sẽ để lại là tư tưởng chiến lược được thể hiện trong việc sửa đổi Hiến pháp Năm 1992 đang chuẩn bị tiến hành. Nếu ông chỉ đạo để lần sửa đổi này không phải chỉ là sửa những điều không thật quan trọng và cấp thiết lắm như bỏ HĐND cấp Huyện, hay người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch Xã... mà hai điều khác mang tinh đột phá là:
1) Nhất thể hoá chức danh Chủ tịch Nước với chức danh TBT của Đảng cầm quyền;
2) Trả lại quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng nhất của Đất nước cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý trực tiếp. 
Những điều ấy là phù hợp với thông lệ quốc tế, là mang đậm tư tưởng Hồ chí Minh về Nhà nước pháp quyền, và quan trọng hơn cả là đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn Dân.
   Dấu ấn thứ hai mà chúng tôi thiết tha mong muốn là sự chỉ đạo quyết liệt việc thưc hiện công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện (thực chất là Cải cách như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh ở Hội nghị Đoàn chủ thich MTTQVN sau ĐH XI) nền giáo dục nước nhà. Chúng tôi xin chịu trách nhiện trước Đảng, Nhà nước và toàn xã hội điều khẳng định rằng: bên cạnh những thành tich như thường được Ngành giáo dục báo cáo bằng các con số ấn tượng, Hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta vẫn đang tiếp tục xuống cấp một cách vô cùng nguy hại. Cùng với phát triển Giáo dục và Đào tạo, phát triển Khoa học và Công nghệ cũng được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Thế nhưng không có một nền KH&CN nào có thể phát triển trên cơ sở một nền Giáo dục quốc dân, đặc biệt là giáo dục Đại học, yếu kém như của nước ta hiện nay. Nếu tình trạng này không được nhìn nhận một cách khách quan, trung thực để khắc phục, thì, trước mắt cũng như lâu dài, nước ta sẽ thua kém căn bản và toàn diện so với các nước trung bình khác trong khu vực và trên toàn thế giới.
   Dấu ấn thứ ba mà chúng tôi tha thiết mong Tổng bí thư để lại là một Chiến lược tổng thể và bền vững trong quan hệ đối với Trung Quốc, để thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau có thể vừa bảo vệ vững chắc được chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên toàn bộ lãnh thổ và hải phận được thừa nhận theo các công ước quốc tế của nước ta, vừa phát triển được đất nước trong hoà bình hữu nghị lâu dài với các nước láng giềng và toàn thế giới.
   Dấu ấn thứ tư mà chúng tôi thiết tha mong đợi ở Tổng Bí thư liên quan trực tiếp đến nội dung cụ thể của buổi làm việc hôm nay: trong nhiệm kỳ này ông sẽ đưa các chủ trương chính sách của Đảng đối với tầng lớp lao động trí óc (mà ta quen gọi là đội ngũ trí thức) vào thực tiễn cuộc sống, mà cho đến nay phần nhiều vẫn chỉ nằm lại trong các văn kiện mà thôi.
   Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với tư cách một người từng làm công tác nghiên cứu khoa học, ông sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ các cấp lãnh của Đảng thực sự tôn trọng tư duy độc lập; chấp nhận sự đa dạng trong sinh hoạt tinh thần - tư tưởng; lắng nghe và sẵn sàng trao đổi, đối thoại với mọi cá nhân và tập thể có các ý kiến đề cập đến những vấn đề hệ trọng của Đất nước một cách nghiêm túc và xây dựng, kể cả các ý kiến trái chiều.

Học để thoát nghèo


12 thg 8, 2011

Buồn


Lại thêm một ông Cảnh mới

   Quốc hội khóa 12, ông nghị Trần Tiến Cảnh đại biểu Hà Nam, phụ họa câu nói của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải “Không thể không làm đường sắt cao tốc” nên ông cho rằng "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm... Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây".
  Tìm nguyên nhân về lạm phát để khắc phục, mặc dù ngân hàng Châu Á (ADB) thông cáo Việt Nam là nước lạm phát cao nhất trong khu vực con số đến 22%.  Tưởng rằng khóa này không còn ông Cảnh, không ngờ Quốc hội 13 đại biểu Đỗ Văn Đương TP Hồ Chí Minh phát ngôn còn hay hơn:  "Tôi đi các nước thấy giá tiêu dùng đắt đỏ, một đĩa rau muống xào ở Thượng Hải tới 200 nghìn, nhưng ở Việt Nam chỉ mấy chục. Trong nước tôi đi chợ rau muống ở đô thị có thể 5.000 đồng/mớ, đi xuống vùng nông thôn chỉ 2.000, xuống nữa có khi rẻ hơn...Nhà thu nhập thấp ít người mua hơn, đề ra nhà thu nhập cho người trung bình, tới đây có lẽ là nhà thu nhập cao. Rất nhiều hàng hóa của mình được giảm giá, đồng tiền của mình về Việt Nam được tự do, có giá trị. Cần xem lại đánh giá chỉ tiêu lạm phát này xem có đúng không, theo tôi không phải là cao nhất" .
Đại biểu Đỗ Văn Đương
  Ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Đương khiến cả nghị trường cười rộn lên. Tiếng cười ấy cũng là một câu trả lời với ông nghị Đương rồi đó.

11 thg 8, 2011

Hai trạng thái


Chưa phải hết


LÃNH ĐẠO NÓI VỚI CỬ TRI

Lần trước tiếp xúc với cử tri Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Tấn Sang với tư cách thường trực Ban bí thư ông nói: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"
   Ngày 10-7 gặp gỡ với cử tri Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh với chức danh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Rõ ràng lương đang không theo kịp giá cả”, “Tôi làm trưởng ban sơ kết nghị quyết của Đảng, Nhà nước khóa rồi xung quanh tổ chức bộ máy và biên chế, thấy rằng chúng ta tăng hơi nhiều. Cho nên bội chi lại tiếp tục. Nếu cứ luẩn quẩn với bài toán bội chi, nhập siêu, lạm phát cao thì đất nước không đứng được”.
  Nói như vậy có sợ không? 

10 thg 8, 2011

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời BBC

  Một cựu Đại biểu Quốc hội của Việt Nam vừa lên tiếng với BBC cho rằng Quốc hội khóa XIII cần cụ thể hóa việc sửa đổi Hiến pháp, trong đó có phương án sửa điều 4 về vai trò của Đảng Cộng sản. Trao đổi với Quốc Phương, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu Niên của Quốc hội, đưa ra một mô hình cải cách thể chế, theo đó Trung ương Đảng có thể trở thành Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện.
Theo Giáo sư Thuyết, cần quy định rõ "những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết," "những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết", và "những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định" để có thể có "địa chỉ chịu trách nhiệm” cho tất cả các quyết định.
Riêng về Điều 4, liên quan tới vai trò, vị thế lãnh đạo của Đảng Cộng sản, GS Thuyết cho rằng nên soạn ra một đạo luật riêng sau khi đã sửa Hiến pháp để người dân biết được “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào.”
Ông Thuyết cũng lưu ý sửa Hiến pháp là một “quy trình phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.”
Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng bình luận về vụ xử phúc thẩm Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cũng như phóng sự gần đây của VTV1 và quan điểm của tờ Quân Đội Nhân Dân về nội dung của các blog và ‘báo chí lề trái’ ở trong nước.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng việc kết luận ông Cù Huy Hà Vũ có tội hay không, tội đến mức nào, thì việc ấy là việc của Tòa án. Mình không tiếp xúc được đầy đủ với hồ sơ, thì mình cũng khó có thể kết luận.
Nhưng tôi phải nói đây là một vụ án vi phạm rất nhiều trình tự thủ tục tố tụng từ đầu đến cuối. Từ khi bắt ông ấy ở khách sạn, cho đến việc ra xử sơ thẩm không có tranh tụng và ra đến xử phúc thẩm thì thực chất vẫn không phải là tranh tụng. Bởi vì khi luật sư người ta đưa ra ý kiến, thì cũng phải có sự tranh luận lại. Còn bây giờ mình không tranh luận lại mà mình vẫn kết án theo ý của mình, thì tôi nghĩ cái ấy không đúng với tinh thần cải cách tư pháp.
BBC: Sau phiên xử phúc thẩm với ông Hà Vũ, giáo sư có theo dõi phóng sự 15 phút, phát tối ngày 04 tháng Tám của VTV1 về vụ án hay không?
Ông Nguyễn Minh Thuyết phê phán cách thức xử án ông Cù Huy Hà Vũ Việc thông tin một cách chi tiết về một vụ án được dư luận trong và ngoài nước quan tâm là cần thiết. Nhưng cách thông tin của phóng sự ấy, tôi cho là không ổn.
Nhìn chung, nó nói xấu về đời tư của một người ở trong cuộc, tức là của ông Cù Huy Hà Vũ, nhiều hơn là về lý lẽ để xử ông ta. Và theo tôi, dù là bất kỳ ai, thì mình cũng không thể moi móc về đời tư của họ, hoặc mình nói những điều không liên quan gì đến bản án cả. Tôi không đồng tình. Vì như thế thất lợi nhiều hơn là có lợi.
BBC: Báo Quân Đội Nhân Dân gần đây đăng một số bài, trong đó có một bài so sánh và cho rằng thông tin ở trên các blog và báo chí “lề trái” ở trong nước là “rác rưởi,” ông nhìn nhận như thế nào về cách đặt vấn đề này của tờ báo?
Nói như thế là một cách nói vừa thiếu hiểu biết vừa rất thô lỗ, lạc hậu. Phải nói rằng mạng Internet là một tiến bộ của loài người. Rất nhiều trí thức lớn, rất nhiều nguyên thủ quốc gia có blog. Nếu bây giờ mình gọi tất cả những thông tin ấy là rác rưởi, thì các blog của các nguyên thủ quốc gia có phải là rác rưởi không?
Tôi cho là nói như thế không được. Vả lại những bài báo đó tôi có xem, tôi thấy rằng không có lập luận gì xác đáng cả. Tôi cho đấy là những bài báo đáng xấu hổ.
BBC: Nay chuyển sang chủ đề về Quốc hội mới, một chủ đề Giáo sư rất quen thuộc, ông bình luận gì về cơ cấu nhân sự của Quốc hội?
Cơ cấu của Quốc hội về cơ bản phản ánh cơ cấu của dân cư. Chuyện về cơ cấu này cũng đã được tính toán kỹ qua các bước hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhưng quả thật lần này nhìn vào Quốc hội thì thấy số doanh nhân là khá lớn, tức là tới 38 vị. Còn đại diện cho giới văn học, nghệ thuật không có một ai. Một người được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giới thiệu ra là ông Tổng Thư ký của Liên hiệp ấy cũng không trúng cử.
Tất nhiên, quyền lựa chọn là quyền của dân thôi. Nhưng quả thật, nhìn vào cơ cấu cũng thấy có sự lệch lạc nhất định. Riêng về giới doanh nhân, một khi Việt Nam đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường thì doanh nhân là những nhân vật mới của xã hội. Họ là những người có nhiều đóng góp cho đất nước và do đó họ có quyền được đại diện ở trong cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tức là Quốc hội.
Tuy nhiên, việc có nhiều doanh nhân cũng dễ làm cho người dân băn khoăn là: Liệu các doanh nhân này có thực sự công tâm trong những việc bàn thảo quyết định chính sách hay không? Có thực sự đóng được vai trò của người đại diện nhân dân hay không? Hay là trong lúc bàn bạc, thảo luận sẽ thiên lệch về quyền lợi của giới doanh nghiệp hoặc là về doanh nghiệp của mình?
Tôi cho rằng những sự băn khoăn ấy là những nhắc nhở đối với các đại biểu - doanh nhân. Các đại biểu - doanh nhân phải hoạt động như thế nào đó thật sự công tâm để cho người dân thấy mình thật sự vào Quốc hội là để đại diện cho quyền lợi của nhân dân, của đất nước nói chung, chứ không phải cho cái giới của mình hay cho doanh nghiệp của mình.
BBC: Trong nhiệm kỳ mới lần này của Quốc Hội, có một nội dung được quan tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến Pháp, nhất là trong đó có liên quan tới Điều 4. Liệu điều này có được sửa hay không và nếu sửa thì theo Giáo sư nên sửa như thế nào, theo hướng nào?
Tôi nghĩ cái đó là quyền của các vị Đại biểu Khóa XIII này. Tôi bây giờ là cựu Đại biểu rồi, nên tôi chỉ có thể nói suy nghĩ của mình thôi. Tôi cho là lần này sửa được một cách tương đối chu tất, căn bản thì tốt hơn. Vì không phải mỗi khi muốn là chúng ta cũng có thể mang Hiến pháp ra mà sửa được. Đấy là một quá trình rất phức tạp và phải có trưng cầu dân ý.
Cho nên khi sửa, theo tôi, cũng phải tính toán để sửa làm sao cho Hiến pháp cô đọng, nhưng thể hiện được xu hướng tiến bộ của xã hội.
Còn riêng về Điều 4, tôi cho là cần phải cụ thể hóa hơn nữa, để người dân người ta cũng biết được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với xã hội ở trong khuôn khổ pháp luật nghĩa là như thế nào. Và thậm chí cũng nên cụ thể hóa bằng một đạo luật, sau khi Hiến pháp đã được sửa.
BBC: Nếu có thể cụ thể hơn nữa, Điều 4 phải được sửa chi tiết ra sao, thưa ông?
Tốt nhất sau này cần cụ thể hóa bằng một đạo luật. Tôi lấy ví dụ: hiện nay có rất nhiều việc ai cũng biết là do Trung ương Đảng quyết định, sau đó thì đưa ra Quốc hội để thể chế hóa nó bằng pháp luật.
Đại biểu Quốc hội là những người ở trong xã hội do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo và đến 92% các Đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản, thì phải chấp hành chủ trương của Đảng.
Nếu như có thể nói cụ thể hơn, tôi lấy ví dụ, có thể Trung ương Đảng là Thượng nghị viện, còn Quốc hội do dân bầu ra là Hạ nghị viện. Rồi mình quy định những việc gì chỉ cần Thượng viện quyết, những việc gì chỉ cần Hạ viện quyết là được, và những việc gì phải có số phiếu nhất định ở Hạ viện và Thượng viện cùng quyết định thì mới được. Tôi nghĩ có quy định một cách rất cụ thể như thế mới có địa chỉ để chịu trách nhiệm về các quyết định. Như thế thì sẽ tốt hơn. Đấy cũng chỉ là một ví dụ thôi.
BBC: Những đạo luật, bộ luật hoặc công việc luật pháp nào kỳ này cần được ưu tiên xây dựng, ban hành và công bố, theo Giáo sư?
Nếu nói về hệ thống pháp luật, theo tôi cho đến nay tương đối là đầy đủ. Còn về các quy định của luật cũng đã có những quy định cụ thể, nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung. Trong quá trình xem xét các đạo luật sắp tới, cũng phải sửa làm sao để cho các quy định của luật cụ thể hơn, dễ thực hiện hơn.
Nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc thi hành luật. Vì thực ra cái yếu nhất ở Việt Nam không phải là thiếu các quy định về pháp luật mà là quy trình, quá trình thi hành luật không được nghiêm túc.
Thứ nhất, nhiều khi luật đã ra rồi, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, tức là các nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ lại chưa kịp ra, thì luật ấy chưa thi hành được. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Vì luật đã ra rồi, đến thời hạn có hiệu lực pháp luật rồi, thì phải được thi hành. Và lúc ấy phải có đầy đủ các văn bản hướng dẫn, còn nếu không, cứ theo luật mà thi hành.
Thứ hai, kể cả khi có nghị định, thông tư rồi, thì việc thi hành luật cũng không được nghiêm chỉnh. Và những người vi phạm luật không phải lúc nào cũng phải chịu chế tài theo đúng quy định của luật. Tôi cho rằng nếu pháp luật đã được ban hành rồi mà không thực thi nó một cách nghiêm chỉnh, dần dần nó sẽ bào mòn thể chế của Nhà nước đi. Và như thế không đảm bảo được sự điều hành của Nhà nước và không đảm bảo được quyền dân chủ của người dân. Đấy là điều đáng quan tâm hơn.
BBC: Là người trực tiếp tham gia nhiều hoạt động và công việc của Quốc hội trong một thời gian dài qua các khóa trước, ông có thể so sánh thế nào về sự lãnh đạo qua các nhiệm kỳ liên quan tới các vị cựu Chủ tịch Quốc hội?
Về cảm tình cá nhân, có thể nói tôi rất có cảm tình với cách điều hành của ông Chủ tịch Nguyễn Văn An. Ông An rất sắc sảo và rất linh hoạt, thường ông cũng rất hay có những ý kiến chêm vào các buổi thảo luận và chất vấn. Những ý kiến đó rất xác đáng. Và qua các ý kiến của ông An, Đại biểu Quốc hội cũng học hỏi được rất nhiều.
Thế còn các vị khác, mỗi người một phong cách. Theo tôi, phong cách của ông Chủ tịch là điều đáng để ý, nhưng thực sự nó không có ảnh hưởng lớn tới chất lượng hoạt động của Quốc hội lắm đâu. Quan trọng là bản thân các Đại biểu như thế nào.
Tôi lấy ví dụ như là Khóa XI, Chủ tịch Nguyễn Văn An là một vị Chủ tịch rất sắc sảo, năng động. Nhưng người dân có vẻ đánh giá kết quả hoạt động của Quốc hội khóa XII cao hơn. Và tôi nghĩ người ta đánh giá cao hơn cũng có lý. Bởi vì khóa sau rút được kinh nghiệm thì phải làm tốt hơn khóa trước. Một số kinh nghiệm mà các đại biểu đã được ông Chủ tịch Quốc hội khóa trước là Nguyễn Văn An huấn luyện, có thể đến khóa sau mới được vận dụng. Đấy cũng là những điều đóng góp làm cho khóa sau tốt hơn.
Tóm lại, tôi cho rằng mỗi vị lãnh đạo có phong cách riêng của mình. Nhưng quan trọng nhất là các đại biểu hoạt động như thế nào và tôi cũng mong là Quốc hội Khóa XIII này sẽ có một bước tiến xa hơn trong việc hoàn thành trách nhiệm của mình trước người dân.

Thương người phế binh bên kia chiến tuyến

  Bên Mỹ họ tổ chức ca nhạc quyên tiền giúp đỡ những chiến binh thời VNCH nghĩ mà thương cho những phế binh bên kia chiến tuyến. Hôm 27-7 tôi nhận được quà và nhiều  tin nhắn chúc mừng, một đại tá tâm sự "Không nghĩ rằng ông sống trở về với chúng tôi". Tôi cười: Nhờ giời.
 Bài hát "Ngày trở về" của Pham Duy có bao kỷ niệm, năm 1971 chính đại tá nọ và tôi nằm trong hầm chữ A mở đài "địch" nghe Thái Thanh hát.


6 thg 8, 2011

Bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc ngày 6-8

 Kính thưa QH
   Với kỳ hợp thứ Nhất của QH khoá XIII này, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng hy hữu trong lịch sử QH. Một vị Phó Thủ tướng thường trực trình bày bản Báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp lại trở thành Chủ tịch QH chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình. Lần đầu tiên có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và hơn thế nữa chúng ta cũng chứng kiến nhiều  thành viên của Chính phủ lại “hoá thân” vào QH .
Tôi muốn nhìn nhận khía cạnh tích cực của hiện tượng này. Là người tham gia hoạt động rất lâu năm trong Chính phủ, ở vào những vị trí then chốt nhất của CP, hiểu rõ “chân tơ kẽ tóc” của CP, Chủ tịch QH biết được tất cả những chỗ mạnh, chỗ yếu của CP, từng chiụ trách nhiệm về hoạt động của CP sẽ thực thi trách nhiệm cùng QH giám sát CP sẽ chặt chẽ hơn. Giám sát hiểu theo nghĩa là sẽ phát hiện được những yếu kém để điều chỉnh những hoạt động hành pháp của CP, cũng như  với vai trò lập pháp sẽ tạo những hành lang pháp lý chuẩn xác góp phần cho CP thực thi hiệu quả trách nhiệm hành pháp của mình... Đó là hy vọng của tôi và nhiều cử tri.
Tôi cũng mong muốn báo cáo của CP bên cạnh những đánh giá chủ yếu về kinh tế, môt lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng là những đánh giá về các vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không chỉ là các chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập, giàu nghèo, tệ nạn, tai nạn v.v... mà còn về lòng tin của dân
Nếu đánh giá về kinh tế có thể biểu thị được bằng con số định lượng (như GDP, chỉ tiêu, sản lương...)  thì cũng nên đánh giá chỉ tiêu về lòng tin của dân đối với CP. Những phương pháp điều tra, thống kế hiện đại có thể làm được điều này. Thế giới họ làm nhiều rồi. Một nhà nước của dân dân,vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Tôi thấy có đại biểu lấy hiện tượng ở Bắc Phi để đánh giá, theo tôi không thể so sánh vì chúng ta đã có một truyền thống xây dựng đựoc sự đồng thuận trên dưới, giữa nhân dân và chính phủ và phải biết gìn giũ nó như gìn giữ con mắt của mình.

Tôi xin đưa ra  một thí dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập tới một vấn đề hệ trọng chưa được CP quan tâm đúng mức xét theo khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân.
Đó là vấn đề Biển Đông. Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia là một vấn đề đang nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe doạ, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo của CP tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của CP, nhưng rõ ràng là chưa thể hiện đúng tầm mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không để hoang mang là cần thiết, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của CP đúng tầm mức, phải được phản ảnh trong chương trình nghị sự của QH đúng tầm mức để nhân dân tin tưởng, thông suốt...
Ngay chương trình làm việc của QH ban đầu hầu như chẳng có vấn đề gì xảy ra ở Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận và đai biểu QH yêu cầu thì QH mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiêng và không có thảo luận.  Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung buổi báo cáo đó, và tôi đã nói với bộ trưởng ngoại giao ý kiến của tôi rằng : Trừ một vài nội dung chi tiết , còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì CP đã làm,  nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn , trăn trở của dân và quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.
Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân thì không cần đến sự tế nhị mà cần sự tin cậy, thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng trong “nội giao”, đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa CP và nhân dân, cho dù sự cảnh giác là cần thiết.
Tôi cũng muốn nêu thêm về một ví dụ mà  ngay trong buổi báo cáo ngày hôm qua cùng không  đề cập tới. Đó là văn bản của Thủ tướng Việt Nam cách đây nửa thế kỷ. Vấn đề đó, chúng ta hoàn toàn có đủ lập luận để phản bác những ý đồ xuyên tạc. Dường như chúng ta chỉ quan tâm đến bàn hội nghị mà không quan tâm giải thích cho dân biết. Tài liệu ấy họ đã phát tán thành giấy gói hàng,  đưa lên mạng vậy mà không có cơ quan nào chính thưc lên tiếng phản bác, giải thích cho dân (mới đây mới được tờ báo của Mặt trận Tổ quốc đề cập tới)
Là người làm nghề sử, tôi muốn nhắc lại một sự kiện cách đây đã 65 năm. Đầu năm 1946, khi cần phải đối phó với một tình hướng “ngàn cân treo trên sợi tóc” liên quan đến vận mệnh của Tổ Quốc, Chủ Tịch  Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo một cách sáng suốt là ký Hiệp định Sơ Bộ 6-3.

Thấy nước cờ ấy dân chưa hiểu, thắc mắc, hoang mang... Chính quyền cách mạng tổ chức cả một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia trên Quảng trường Nhà Hát Lớn (hình ảnh vẫn còn để ta thấy dân quan tâm đến việc nước như thế nào, có cả dân quê, có cả anh phu xe, công chức hay thợ thuyền, trí thức...).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giải thích cả mấy tiếng đồng hồ, rồi vị Chủ tich nước đứng trước quốc dân nói lên rằng : “Đồng bào hãy tin tưởng ở Nhà nước, Hồ Chí Minh không khi nào bán nước”.
Học tập Bác Hồ nên nhớ cách ứng xử với dân của Bác khi vận nước khó khăn. Cho dù thời đại có nhiều thay đổi, mọi so sánh có hể là khập khiễng thì cái nguyên lý “dân biêt” thì “dân mới làm” và dân có điều kiện “kiểm tra” CP là chuyện của muôn đời.
Tại sao phải là đại biểu QH với một phiên hop kín mới được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao. Tôi tin chắc là dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không thì là việc là thứ yếu.
Thưa QH,
Hướng ra Biển Đông nhưng cũng phải luôn quan tâm đến đất liền, trong đó có nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta muốn giữ được chủ quyền chính trị thì cũng phải giữ được chủ quyền kinh tế. Tại kỳ họp cuối cùng của khoá trước, tôi đã đặt câu hỏi chất vấn CP rằng nền kinh tế của ta bên cạnh việc khai thác có hiệu quả nhưng nguồn lực nước ngòai thông qua việc phát triển những mối quan hệ hơp tác, nhưng có lành mạnh không, có bị lệ thuộc không ?
Biết bao nhiêu vấn đề đã được nêu lên ngay trong QH với những định lượng rất đáng lo lắng về những khả năng bị lệ thuộc đặc biệt là với Trung Quốc cần phải được quan tâm để điều chỉnh, vì chưa thấy những dấu hiệu tích cực. Nếu vấn đề có vẻ tế nhị này nhưng phải trên nguyên tắc “tiên trách kỷ hậu trách nhân” còn thiên hạ thì bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích, (lợi ích kinh tế, kể cả lợi ích chính trị) bằng mọi giá. Tại sao nông dân trồng vải đến vụ thu hoạch mà các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng cửa im ỉm (như một phóng sự truyền hình phản ảnh), trong khi  thương lái nước ngoài  tung hoành và thực sự lại trở thành cứu cánh cho dân.
Đấy mới là quả vải nhỏ bé còn chỉ cần nhìn vào nhiều công trình thắng thầu, dòng chẩy của hàng hoá mà tình trạng nhập siêu là tiêu biểu nhất ,đủ thấy nhiều thông điệp đáng lo ngại khác. Nhìn  ngoại thị trường tất cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu kể cả những mặt hàng nông sản, thực phẩm mà tại Việt Nam thừa khả năng sản xuất cũng nhan nhản ngoài thị trường là hàng Trung Quốc.
Cuối cùng, tôi đề cập tới một nội dung mà đại diện Đoàn Đồng Nai và Đại biểu Lâm Đồng đã đề cập những chưa đủ thời gian hơn nữa đó lại là chương trình vận động bàu cử của tôi với bà con cử tri sống ven con đường Quốc lộ 20 trước nguy cơ nhãn tiền là việc vận chuyển bô xít liên quan đến một dự án mà QH đã thông qua  mà CP cũng cam kết chỉ khai thác bô xit nếu có hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn môi trường. QH có trách nhiệm giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Đó là mới quan tâm đến việc khai tuyển ma chưa quan tâm đến tác động của việc vận chuyển.
 Về việc này, vị đại diện TKV vừa phát biểu. Tôi lấy làm lạ là học sinh đã kém sử mà chúng ta lại kém toán hay sao mà không nhận ra lộ trình đến 15 tháng 8 này phương án mới chuyển Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét mà cuối năm xe chở bô xít đã phải lăn bánh rồi. Các chiến sĩ Công an Đồng Nai chúng tôi chỉ đặt một câu hỏi : Liệu xe trọng tải 40 tấn có được cho phép đi trên cầu 25 tấn không? Đây không phải là bài toán kinh tế mà là bài toán kỷ cương, bài toán pháp luật . Là cơ quan lâp pháp và giám sát thực thi pháp luật, để xẩy ra tình trang nan giải này, có trách nhiệm của cả QH.
Hy vọng với môt QH khoá mới, có CTQH mới QH sẽ  khắc phục một cách căn bản những tình huống tương tự làm giảm lòng tin của người dân vào QH và CP.  

Bọ Lập trả lời BBC


Tân Thủ tướng Thái

Chồng và con trai


Chúc mừng mẹ

  Nữ tân thủ tướng Thái, sinh ngày 21/ 6/1967 hiện là chủ tịch của công ty bất động sản SC Assets có trụ sở tại Bangkok. Bà lớn lên tại Chiang Mai, đã tốt nghiệp thạc sĩ tại trường đại học Chiang Mai năm 1988 và theo học ở trường đại học Kentucky State University -Mỹ năm 1991. Sau khi học xong, bà Yingluck đã trải qua nhiều vị trí quản lý tại các công ty viễn thông, phát triển bất động sản. Quốc hội Thái Lan, trong phiên họp đặc biệt của Hạ viện hôm qua, đã bầu bà Yingluck Shinawatra, từng là một nữ doanh nhân, vào chức vụ Thủ Tướng thứ 28 của quốc gia và là nữ Thủ tướng đầu tiên ở Thái lan, kết quả cuộc biểu quyết tại Hạ viện, với 296 phiếu thuận, 3 phiếu chống, 197 phiếu trắng.
 Ở Thái Lan do Hiến pháp họ chọn Thủ tướng khác ta! Họ có chọn nhầm không?

4 thg 8, 2011

PR giúp iPad

    Để quảng cáo cho iPad, một cô gái với chiếc mũ kỳ dị ghép từ 4 chiếc iPad trùm kín tận cổ đi dạo trong công viên Bryant ở New York- Mỹ. Tháng 3 qua Mỹ mua iPad 2 phải xếp hàng từ 2 giờ đêm lúc đó chưa có 3G. Nay thì đã khác


3 thg 8, 2011

Niềm tin còn hay mất

    Chiều nay mấy anh cán bộ giảng dạy ở Đại học sư phạm mời đi uống bia. Nghe chuyện đi dạy tại chức ở các tỉnh mà cười ra nước mắt, học viên không học chỉ thích rủ thầy đi chơi, ăn uống, hát karaoke. Thản nhiên nói với thầy “ Chúng em không cần kiến thức chỉ cần có tấm bằng hợp lý để lên chức, tăng lương và vào tầm ngắm của tổ chức tỉnh”. Các anh ấy không nghĩ rằng cán bộ quy hoạch cấp tỉnh mà dốt đến thế, nửa chữ “tây” không biết thế mà liên tục “Ok”, thời Chính phủ điện tử không biết gõ máy tính, bảo “Check mail” cứ ngớ ra, như người ngoài hành tinh.
 Uống bia bao chuyện trên giời dưới bể kể hết, cuối cùng quay sang chuyện thời sự “chính chị, chính em”. Tôi ngồi nghe mấy anh lên tiếng:
-         Bây giờ họp Quốc hội có mấy ai để ý, vì chẳng có gì, bầu bán sắp đặt trước, Nghị quyết chẳng có gì mới vẫn “Bình cũ rượu cũ”
-         7 giờ tối cả nhà tôi thường xem bản tin trên VTV1, bây giờ tắt đi ăn cho ngon.
-         Suốt ngày hứa với cử tri làm việc này việc nọ nhưng có thực hiện được đâu.
  Tôi nghĩ chỉ mấy ông cán bộ nghỉ hưu nói vậy, hóa ra các ông trí thức đang đứng trên bục giảng của ta cũng thế.

2 thg 8, 2011

Sợ hãi

   Xuống sân bay tôi mới hết lo, chuyến đi do bão phải lùi lại một giờ, ngồi trên máy bay tiếp viên hàng không liên tục thông báo máy bay đang đi qua vùng thời tiết xấu mọi người thắt dây an toàn, ngày xưa ở chiến trường đối mặt với bom đạn không hề biết sợ, nay trong hòa bình mà còn lo sợ hãi, hèn quá?
   Tối mở nguyentrongtao.org với cái tít “Tại sao tôi kiến nghị thả tự do cho công dân Cù Huy Hà Vũ”   tôi thấy ông công khai không biết sợ là gì. Nhưng khi đọc tôi thấy bất ngờ hơn khi Nhà thơ Bằng Việt (Nguyễn Bằng Việt) đã từng học luật tại Đại học tổng hợp Kiev năm 1965 về nước làm việc tại Viện luật, người có tác phẩm “Hương cây bếp lửa” in chung với Lưu Quang Vũ và có thơ đưa vào sách giáo khoa, ông đã từng làm Chủ tịch Hội liên hiệp văn học Hà Nội (1989-1991), từ năm 1991-2000 ông giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân Hà Nội, viết như thế ông luôn là người của Đảng, không hiểu sao ông nói công khai “Nếu không tha bổng cho Cù Huy Hà Vũ thì đó là một sự ngu xuẩn”. Thế mới biết các ông này có bản lĩnh.