30 thg 4, 2012

Tư liệu cũ nhưng nhiều người không biết

    Ngày 30 tháng 4 đã đi vào lịch sử, có người cho rằng Tổng thống Dương Văn Minh có công lớn trong việc không để xảy ra cảnh "huynh đệ thương tàn", TT Võ Văn Kiệt có lần nhắc tới chuyện này. Cho đến bây giờ vẫn còn bỏ ngỏ, mặc dù TT Dương văn Minh đã mất cách đây mấy năm. 
  Ông Bùi Văn Tùng như một nhân chứng lịch sử có công lớn góp phần làm nên chiến thắng, song ít nhắc tới trong ngày 30 tháng 4 hàng năm.

  Tôi vẫn còn nhớ lúc đó Hà Nội tràn ngập niềm vui, đi đâu cũng thấy hát vang bài ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", tôi ngồi ở Văn phòng Khoa toán nghe TT tuyên bố đầu hàng, mọi người có ngắc đến ông Vũ văn Mẫu vì em ruột của ông là cán bộ giảng dạy của trường sư phạm HN lúc bấy giờ.

26 thg 4, 2012

Hai ngày vất vả

     Hôm qua xuống Hải Phòng cùng Mr Ron để xem việc chấm NAM (National Achievement Monitoring), Tiến sỹ Ron hơn tôi ba tuổi người Canada đã từng làm chuyên gia ở Sirilanca, hai năm nay ông cùng vợ sang VN, hàng ngày thường xuyên trao đổi công việc với tôi qua mail, ông rất quý mến tôi, mỗi khi làm việc ông đều nói "thanks", ông nói với mọi người "Mr Đ giúp tôi nhiều". 
  Về HN đến dự Hội thảo Bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường Chu Văn An (do Sở GD-ĐT Hà Nội và Hội THHN tổ chức), Tôi có tham luận chiều nay báo cáo.
 Sau hai ngày làm việc mệt mỏi, nghe mấy người vừa đi Văn Giang về họ bảo nhau:
 - Đấy đâu có phải là cưỡng chế mà đi cướp của dân.



Biển Đồ Sơn

Hai sư phụ cười mãn nguyện

Anh Việt Hải

TSKH Nguyễn Văn Mậu đang báo cáo chuyên đề

Báo cáo tham luận
  

22 thg 4, 2012

Gặp Nhà thơ Bùi Minh Quốc


Nhà thơ Bùi Minh Quốc tâm sự
  Tôi biết tên anh qua bài thơ Hạnh phúc, nhưng đấy không phải là tên thật của anh, ngay cái tên mà bố anh đặt cho trước ngày anh đi học ở Hà Nội “Bùi Minh Quốc” cũng mong sau này anh làm sáng danh cho đất nước. 



  Khi còn học lớp 9 trường Chu Văn An (HN) anh đã có bài thơ nổi tiếng Lên Miền Tây (lúc đó anh đang diện cảm tình đoàn như anh bộc bạch)  bài thơ này đã đưa vào sách giáo khoa, có lần lấy làm đề thi tốt nghiệp cấp 3. Chính bài thơ này mà ông NĐT phê phán kịch liệt cho rằng xa rời thực tế, chưa có kinh nghiệm cuộc sống, ngồi ở Hà Nội mà dám viết về Tây Bắc. Ông có biết bài thơ này mà hàng vạn thanh niên của miền xuôi xung phong lên miền núi khai hoang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào những năm 1960. Mãi khi ông NĐT qua đời anh mới hỏi bạn bè không hiểu vì sao ông NĐT làm to như thế, một con người cấp tiến mà lại truy chụp như vậy? Họ bảo anh rằng: Vì ông chưa hề được ngồi ghế cao bao giờ nên ông không hiểu, ở đó có mọi thứ mấy ai từ bỏ, nhiều khi phải sống không thật với chính mình, nếu ông mà ngồi ghế ấy ông hung hơn, trị nhiều người hơn thế. Nhưng bạn bè và gia đình đều có chung nhận xét Anh sống thực với chính mình với mọi người đấy mới là Bùi Minh Quốc.
  “Ôi miền Tây, ở dưới xuôi sao nghe nói ngại ngùng
  Mà lúc ra đi lửa trong lòng vẫn cháy
  Tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
  Thì xa xôi biết mấy cũng lên đường
  Sống ở Thủ đô mà dạ để mười phương
  Nghìn khát  vọng chất chồng mơ ước”
  (Trích bài thơ Lên Miền Tây)
  Trước khi đi chiến trường anh lấy biệt danh Dương Hương Ly (Hương Ly là con gái anh), hai năm sau vợ anh nhà báo Dương Thị Xuân Quý gửi con cho bà ngoại ở Hà Nội cùng vào Miền Nam
 Năm 1969 biết tin Dương thị Xuân Quý hy sinh anh có bài thơ Hạnh phúc như một lời chia tay với chị, bài thơ đã tiếp sức cho lớp lớp thanh niên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ”.
  “ Hạnh phúc là gì? Bao lần lúng túng,
   Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra
  Cho đến ngày cất bước đi xa,
  Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt”
  (Trích bài thơ Hạnh Phúc)
 Bên cạnh tôi một khán giả nói nhỏ “hai bài thơ của anh làm khổ bao người” .
  Hôm nay anh giới thiệu tập thơ “Trinh thiêng” với chỉ  9 bài anh dịch sang tiếng Anh và Tiếng Pháp, như một món quà tri ân cho những người đã ngã xuống che trở anh, phù hộ cho anh bao cơn hoạn nạn, anh cám ơn những bàn bè đồng chí đã giúp anh qua nỗi thương đau.
 Anh tâm sự “ Tôi luôn giữ chữ trinh với tổ quốc, với mọi người, linh thiêng với hồn của núi sống, điều đó tôi tin luôn là đúng.
 “ Cõi thiêng riêng mở riêng thầm biết
 Nhụy hồng hé nở đón sương mai
 Môi hồng e ấp trao trời biếc
 Hương hồng trinh khiết tiết Xuân khai” (Trích bài thơ Trinh thiêng).

   HN 22/4

20 thg 4, 2012

Tập thơ Xóm điếm


   “Đầu làng Quỳnh có chiếc điếm canh nên mọi người thường gọi xóm điếm” với tên mộc mạc ấy đã đi vào kỷ niệm của bao nhiêu người. Hôm trước PGS Văn Như Cương cho biết ông có ra tập thơ XÓM ĐIẾM cùng với nhóm tác giả người cùng xã Quỳnh Lôi, Quỳnh Lưu Nghệ An, làng nhỏ bé này nơi đã sinh Bà Chúa thơ Nôm, 9 thành viên Hội NVVN...
 Mở đầu dịch giả Thúy Toàn giới thiệu tác giả và khách đến dự, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dẫn chương trình sau đó các tác giả tâm sự với mọi người. PGS Văn Như Cương làm thơ hóm hỉnh đến vậy, bài thơ viết cho cháu ngoại như muốn nhắc nhở người đời.
  Ông yêu cháu nhất nhà,
  Yêu hơn yêu mẹ cháu,
  Yêu hơn cả yêu bà.
  Vì cháu chưa biết nói
  Chẳng cãi ông bao giờ.
 Nhà thơ Dương Danh Dũng lại có cái nhìn mang tính triết lý:
  Qua sông chẳng biết lụy đò
  Gặp ngay sóng lớn gió to
  Lật thuyền.

  Đất thì chật
  Trời lại nghiêng
  Đất trời chập lại mấy phen mưa vùi.

  Cả vú
 Lập nghẹn miệng trời
 Miệng em chỉ biết nói lời giận thương.
 Ông Hồ Phi Phục cán bộ tỉnh ủy Nghệ an có viết:
  Macxim Gorki từng thổ lộ
 Triết học như người đàn bà xấu
 Nhờ trang điểm
 Tưởng là hoa hậu...
  Nhà thơ Bùi Minh Quốc kể tôi nghe chuyện đi tìm mộ vợ Nhà văn Liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý. Anh mời Chủ nhật qua Nhà sách Đông Tây tặng thơ.
 Một số hình ảnh trong buổi gặp mặt.


Phạm X Nguyên 

N Thơ Bùi Minh Quốc

Nhóm tác giả

MC Nguyễn Trọng Tạo

PGS Văn Như Cương

NT Dương Huy


19 thg 4, 2012

Những ngày Tháng Tư


  Tháng Tư người ta vẫn thường gọi là tháng giao mùa của trời và đất, đối với con người ốm đau bệnh tật chẳng có gì là lạ, có khi chỉ sổ mũi nhức đầu, nhưng cũng có khi bệnh nan y tích tụ lâu nay trỗi dậy. Còn đối với tôi mấy chục năm qua cứ đến tháng Tư không  nhiều thì ít tai nạn luôn rình rập.
  Tháng Tư năm 1967 trận đánh đầu tiên khi vào bộ đội trung úy Phương (Thanh Hóa) bị trúng bom, tháng Tư năm 1969 một mình đi tăng cường cho đơn vị pháo 100mm đánh không sử dụng ra đa sợ bị máy bay Mỹ phát hiện…,nhưng không bao giờ quên tháng Tư năm 1971 bị thương ở Nam Lào tưởng rằng không có ngày trở về…
  Mãi đến năm 1980, bà nội các cháu cho biết ngày sinh của tôi là ngày Âm lịch, chuyển đổi sang Dương lịch là ngày cuối Tháng Tư, có phải vì tháng sinh mà hạn cứ nhằm vào Tháng Tư mà dáng vào tôi.
 Hôm qua nhận được giấy mời đi  nghe giảng  NQ TƯ 4. Tôi sắp xếp công việc đến đúng giờ, Bí thư Đảng ủy có nói “chọn báo cáo viên có chất lượng”. 
  Nghe ban tổ chức giới thiệu oai quá: PGS, TS NVG - Giảng viên cao cấp - Trưởng khoa Công tác tổ chức xây dựng đảng - HV CTQG HCM. Tôi cũng đã từng là học viên của Học viện cách đây chục năm, các thầy dạy tôi thực sự giỏi và uyên thâm thường xuyên xuất hiên VTV, vì thế tôi tin rằng hôm nay sẽ thu được nhiều điều hay khi nghe NQ. Nhưng ngược lại càng nghe tôi và nhiều người xung quanh càng thất vọng, báo cáo viên luyên thuyên quá, không biết đối tượng ngồi dưới là ai, họ phần lớn là cán bộ cao cấp trong quân đội, Chủ nhiệm khoa, giáo viên học viện của nhiều quân chủng, nhiều người có học vị tiến sỹ, thạc sỹ...
  PGS, TS NVG càng giảng càng lộng ngôn, thậm chí vi phạm “19 điều đảng viên không được làm”đó là chỉ trích sai lầm của đảng. Ông lấy tư liệu từ những năm 80 của thế kỉ trước để minh họa, dẫn chứng thiếu chính xác, ông chỉ trích thế lực thù địch bảo vệ “con mẹ gì ở Sơn Tây mà Đài truyền hình Hà Nội phản ánh không thể chấp thuận được thế mà có cả cán bộ lão thành cách mạng bệnh vực”(ở dưới nhắc Bùi thị Minh Hàng), có người ở dưới kêu “giảng viên lạc đề rồi”, một lát sau ông còn phê phán cấp trên đại ý “Hai nhiệm kỳ làm TBT nhưng không có trình độ, đến học viện chúng tôi mới thấy chẳng có lý luận gì”. Nếu Trung ương biết chuyện này có để cho nói vậy không?
  Anh bạn tôi quay sang bảo “ông này quá liều”….Nhớ thời xưa có một nhà văn đi nghe NQ nói đùa "hôm nay đi nghe anh Lành giảng đạo", lời nói gió bay đến tai ông TH, nhà văn này bị làm bản kiểm điểm, lên bờ xuống ruộng. 
  Mới hơn một giờ mà phải nghe như vậy sao không khỏi đau đầu, tôi hiểu thế nào là PGS- TS thời nay. Nghỉ giải lao tôi phải uống một viên huyết áp, song tôi tự an ủi “lỗi hệ thống” có gì phải suy nghĩ. Vậy đây có phải là hạn Tháng Tư không?
Năm 17 tuổi  (1967)
Đại đội trưởng và tiểu đôi chỉ huy
Chúng tôi ngồi nhớ lại cách đây 45 năm ( 20/4 - 1967-2012)
   Sau ngày 17/7/1966 Bác Hồ ra lời kêu gọi “Không có gì hơn độc lập tự do..” tôi xung phong nhập ngũ, được vào đại đội pháo cao xạ 37mm, trung đoàn 240 bảo vệ Hải Phòng. Đại đội trưởng thiếu úy Nguyễn Hữu Đổng như là thần tượng trong tôi, anh thông minh dũng cảm, coi cái chết nhẹ như lông hồng, năm 1970 tôi đi chiến trường không ở cùng anh nữa, nhưng không biết ông trời xui khiến thế nào, bao nhiêu năm xa nhau bây giờ nhóm chúng tôi lại gần nhà anh, anh Vũ Hữu Lâm đại tá cùng trắc thủ đo xa với tôi bây giờ cũng đã nghỉ hưu. Đại đội trưởng Đổng đã đi vào ký ức trong  tôi, anh không chỉ là thủ trưởng mà còn là tấm gương cho lòng dũng cảm, cương trực, chính những điều đó giúp tôi trưởng thành trong cuộc sống sau này (bây giờ tôi mới dám xưng anh em, ngày xưa chỉ gọi anh bằng thủ trưởng hoặc đại đội trưởng). Mỗi lần máy bay Mỹ đến anh bình tĩnh, đứng trên đài chỉ huy chọn thời điểm thích hợp để cho đơn vị nổ súng, có lúc anh chẳng cần nghe tôi thông báo cự ly, anh thấy nó lao vào là “bắn”.   Sau này anh tâm sự “lúc ấy tao nghĩ đến tính mạng của anh em nên tao chỉ tập trung bắn vào những tốp máy bay nó bổ nhào vào đơn vị mình, còn mục tiêu bảo vệ nhà máy ximăng không quan trọng, chúng mày không biết có lần rút kinh nghiệm sau trận đánh tao bị chính trị viên Th phê bình rất gay gắt”, lúc đó anh là đại đội trưởng nhưng chưa phải là đảng viên cùng trong diện “cảm tình” như tôi. Đơn vị tôi như có bùa hộ mệnh, nhiều người ở trong và ngoài đơn vị đều nhận ra đại đội 384 từ sau ngày 20/4 chưa bao giờ Mỹ ném bom trúng trận địa, nhưng cứ đi khỏi đại đội nào vào thế chân y như bị bom, thương vong của chúng tôi ít nhất, có đơn vị gần như xóa sổ, không còn người để đưa thương binh liệt sỹ ra ngoài phải nhờ đến dân quân tự vệ ở khu phố. Thương anh bây giờ nhiều bệnh quá.
 Hôm trước anh bảo dân quân Nam Pháp (HP) họ định mời bọn mình xuống gặp mặt, ôn lại những ngày chiến tranh. Tôi có biết một vài người đều hơn tuổi tôi, họ toàn là dân xứ đạo gần cầu Rào, nay đã lên ông lên bà cả rồi, có người chuyện riêng tư vất vả long đong, tôi rất mong ngày đó để được gặp lại “cô dân quân” ngày xưa gắn bó với đại đội 384.
 HN 19/4/2012
 



18 thg 4, 2012

Đại diện cho cử tri là thế này?

  Mấy ngày qua trên thông tin đại chúng đưa tin nhiều về Đại biểu QH Đặng Thị Hoàng Yến. Năm trước bà Đặng Thị Hoàng Yến phát biểu tại Lễ trao giải "Hoa trạng Nguyên", GS Văn Như Cương có kể lại không tin đó là sự thật. Sau khi bà có danh sách ứng cử ĐBQH tỉnh Long An, báo Cựu chiến binh, báo Người cao tuổi có đưa kiến nghị và phản ứng của cử tri về tư cách của bà, nhưng sau đó bà vẫn trúng ĐBQH. Các Hoa trạng nguyên tre tuổi nghĩ sao về người đại diện cho người Dân đất Việt mang tiếng nói đến Nghị trường?

7 thg 4, 2012

Tập đoàn kinh tế-quả đấm thép là đây!


Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị đề nghị xử lý tài chính 18.200 tỉ đồng, trong đó có nhiều khoản chi đầu tư không đúng quy định, chỉ định thầu trái quy định, tiền vốn cổ phần hóa chưa thu hồi 1.928 tỉ đồng… 
Trước đó, cũng theo Thanh tra Chính phủ, Tập đoàn Sông Đà sai phạm lên đến 10.676 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và quản lý tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có số lỗ lớn kỷ lục: 10.162 tỉ đồng (năm 2010) và hàng loạt vụ lùm xùm nội bộ khác. Còn với Agribank, chỉ riêngCông ty Cho thuê Tài chính của ngân hàng này đã lỗ 3.000 tỉ đồng, cao gấp 8,5 lần vốn điều lệ của công ty…
Đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, chưa được làm rõ một cách đầy đủ. Số tiền sai phạm do Thanh tra Chính phủ phát hiện ở các tập đoàn kể trên cộng lại (chưa kể 86.000 tỉ đồng của Vinashin) đã lên đến trên 30.000 tỉ đồng, một số tiền quá lớn mà ai cũng xót xa, nhức nhối.
Nhận xét sơ bộ có thể rút ra qua các dẫn chứng trên là hễ thanh tra tập đoàn kinh tế nào là phát hiện sai phạm ở tập đoàn đó với số tiền phải xử lý lên đến hàng ngàn tỉ đồng ở các khâu quản lý vốn, đầu tư trái quy định của Nhà nước, đầu tư ra ngoài ngành gây thua lỗ lớn… Điều đó đã bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế ở nhiều tập đoàn. Đó chính là lý do để nay các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần phải tái cấu trúc mạnh mẽ như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tại Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 10-2011 vừa qua.
Tập đoàn kinh tế Nhà nước được quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước, khai thác tài nguyên của đất nước, có vị thế độc quyền trong kinh doanh, được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước… lẽ ra phải có hiệu quả kinh doanh khả quan. Đằng này, kết quả thanh tra cho thấy nhiều tập đoàn đã chưa đáp ứng được mong đợi, chưa hoàn thành trách nhiệm được giao phó.
Từ đó, cần đặt ra những câu hỏi rất nghiêm túc về đánh giá chủ trương và tổ chức thí điểm tập đoàn cũng như trách nhiệm quản lý, giám sát các tập đoàn đó về mọi mặt. Đặc biệt, phải có cơ chế làm rõ trách nhiệm cá nhân người đứng dầu khi để xảy ra sai phạm. Bao quát hơn, cần có một điều tra, nghiên cứu khoa học – thực tiễn độc lập về các tập đoàn và quá trình thí điểm từ năm 2006 tới nay để đề ra những kiến nghị tái cấu trúc và cải cách cần thiết.
Tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế Nhà nước theo yêu cầu của Hội nghị III Ban Chấp hành Trung ương Đảng, yêu cầu trước tiên là phải khắc phục những yếu kém đã được phát hiện. Làm được điều đó sẽ góp phần ổn định kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nước ta.
Ts. Lê Đăng Doanh