25 thg 6, 2012

Dân chỉ nói đúng mà thôi


  Tôi có tâm sự với một UVTƯ, ông cũng buồn và lo lắng trước tình hình của đất nước hiện nay...
Ông Chủ tịch nước TTS tiếp xúc với cử tri TPHCM đều nóng, báo Tuổi tre có có buổi phỏng vấn ông. Song cũng chẳng đi về đâu.
* Thưa Chủ tịch nước, nhiều cử tri bất bình trước những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, thiếu gương mẫu của một bộ phận người có chức vụ cao. Sự việc xôn xao gần đây là vụ xây dựng nhà cửa "hoành tráng" của con trai bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Nhiều cử tri cho rằng với đồng lương của cán bộ, công chức như hiện nay sẽ rất khó làm được cơ ngơi như thế...
- Tôi đã nhiều lần chia sẻ chân tình với cử tri, nếu chống tham nhũng không thành công thì việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 - một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay - đang rất được nhân dân trông đợi sẽ không thể thành công được. Anh không thể nói trước nhân dân rằng mình không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, trong khi lại tham nhũng, tiêu cực và do vậy, dân cũng sẽ không thể tin bộ máy được trong sạch. Chống tham nhũng thành công thì những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống chắc hẳn sẽ tốt dần lên.
Còn việc kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức là chuyện đại sự. Gốc gác của vấn đề này nằm ở chỗ hiện còn sử dụng tiền mặt quá lớn trong nền kinh tế. Ðể giải quyết căn cơ hơn, nhất định phải thay đổi phương thức giao dịch này, phải thu hẹp dần, thay vào đó là thanh toán, giao dịch qua ngân hàng. Phương thức này được cho là hiệu quả để có thể kiểm soát được các "giao dịch ngầm". Chúng ta luôn mong muốn hạn chế bị ăn cắp, ăn trộm, bòn rút của công hay các giao dịch vì mục đích tiêu cực, nhưng với chế độ sử dụng tiền mặt đại trà như hiện nay sẽ không thể kiểm soát, thậm chí tham nhũng sẽ ngày càng tệ hại hơn.
Với trường hợp cụ thể liên quan đến gia đình anh Quyến (ông Bùi Thanh Quyến, ủy viên Trung ương Ðảng, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) thì Ủy ban Kiểm tra trung ương đang kiểm tra. Báo chí nêu nhiều như thế, nhưng thực tế ra sao phải chờ kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương. Cho đến giờ này, ngoài thông tin báo chí nêu, tôi chưa nhận được thông tin gì khác ở trường hợp nêu trên, nên phải chờ kết quả kiểm tra xem cái gì đã xảy ra ở đó.
* Nhưng thưa Chủ tịch nước, từ vụ việc cụ thể như vậy, nhiều ý kiến đặt vấn đề tính thực chất, hiệu quả của biện pháp kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức?
- Quy định về vấn đề này đã có rồi, nhưng thực tế cũng chưa đảm bảo hiệu quả như mong muốn và tính thực chất của việc kiểm soát tài sản, thu nhập bằng biện pháp kê khai này. Chúng tôi năm nào cũng kê khai. Sắp tới đây cũng sẽ công khai các kê khai này tại nơi cư trú, nơi công tác của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế còn sử dụng tiền mặt đại trà, thì vẫn rất lo ngại sẽ còn tình trạng giấu giếm tài sản, thu nhập bất chính, chưa kể tình trạng rửa tiền thông qua kênh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thương mại... Trong khi đó, hiệu quả của một số biện pháp kiểm soát như đã áp dụng còn hạn chế. Ðó là điều rất rõ, nên cần phải thay đổi, bổ sung biện pháp kiểm soát hữu hiệu hơn.
Về lâu dài, phải hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong các giao dịch để có thể khống chế, kiểm soát được các "giao dịch ngầm", các khoản thu nhập không rõ nguồn gốc.
Nếu người ta biếu nhau bằng nhà, đất, xe cộ... thì có thể kiểm soát được bằng biện pháp kê khai, công khai để tổ chức, nhân dân giám sát, khó có thể che đậy được tai mắt của dư luận, báo chí. Nhưng nếu họ biếu nhau bằng tiền thì sẽ rất khó khăn để kiểm soát trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, trước hết là những gì đã phơi bày trong cuộc sống, người dân, báo chí phản ánh thì nhất định phải được làm rõ, có kết luận và công khai để nhân dân biết. Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Ủy ban MTTQ VN TP.HCM hôm thứ bảy vừa qua, có một ý kiến phản ảnh về một cán bộ cấp cao được cấp đến mấy suất đất. Hay một ý kiến khác nói rằng có trường hợp "chiêu đãi" đoàn thanh tra của trung ương trước khi kết thúc công việc bằng một đêm "vui vẻ" với các cô gái xinh đẹp tại khách sạn...
Tôi đã cử ngay cán bộ đến tiếp xúc với những người phản ảnh công khai hai trường hợp trên để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ, trả lời kết quả cho cử tri. Hằng ngày có nhiều thông tin phản ảnh như thế. Nói tóm lại, đừng bỏ qua và nhất định không được bỏ qua bất kỳ dư luận nào, nếu dư luận nêu đúng thì phải xử lý, nếu nói sai cũng phải được thanh minh cho rõ ràng, trả lại sự trong sạch cho những cá nhân, tập thể bị phản ảnh không đúng.
"Tôi muốn nghe sự thật"
* Trở lại không khí của buổi tiếp xúc cử tri tại Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, đa số ý kiến nêu bức xúc, có lúc gay gắt, ít thấy lời khen. Có ý kiến e ngại không khí đó làm cho tình hình đất nước thêm phần nặng nề, thiếu phấn khởi, kém đi phần tươi sáng... Riêng cảm nhận của Chủ tịch nước như thế nào về bầu không khí đó?
- Tôi không thấy có những lời lẽ nào khó nghe, mà thậm chí tất cả đều là những lời cần nghe. Tôi muốn nghe sự thật chứ không phải đến và mất thời gian để nghe những lời hoa mỹ, không đúng sự thật.
Tôi là đại biểu của dân, phải nghe để hiểu lòng dân đang muốn gì ở Ðảng, ở Nhà nước, ở các nhà lãnh đạo đất nước, ở hiện tại và trong tương lai của đất nước. Với tôi, không có gì lấy làm khó nghe, mà ngược lại thấy rất thích thú. Cái gì đúng cần được ghi nhận, biểu dương. Cái gì cô bác cử tri, báo chí chê trách đúng, cần nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa.
Cuộc sống đang diễn ra như thế nào thì cần nói thế đó, không được quy kết thế này thế kia và như vậy không phải là người đại biểu của dân. Những gì dân còn muốn nói với người đại biểu của mình, muốn lãnh đạo biết, hay các phản ánh của báo chí thì suy cho cùng những ý kiến đó cũng nhằm mong muốn phản ánh sự thật, phản ánh những điều nóng bỏng của cuộc sống, mong muốn sớm được giải quyết, chứ không có ý làm cho vấn đề nóng lên hay làm phức tạp thêm.
* Thưa Chủ tịch nước, hội nghị trung ương 5 đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ là thay đổi cách tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng, cụ thể là Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành bộ máy này. Với một quyết sách như vậy, người dân có thể trông đợi gì ở kết quả phòng chống tham nhũng?
- Khi đưa ra quyết sách như vậy, trung ương đã có nhiều cân nhắc, tính toán. Với tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng trước đây, sau một khóa thực hiện chức trách của mình, tuy đạt được một số kết quả nhưng mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí thì rõ ràng chưa đạt được như nhân dân mong đợi. Ðại hội XI của Ðảng đã kết luận rất rõ điều này.
Trung ương cũng nhận thấy tổ chức bộ máy phòng chống tham nhũng như vừa qua có phần không thích hợp thì nay cần được thay đổi và tổ chức làm sao để thích hợp hơn. Mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng là nhất quán và không bao giờ thay đổi. Việc thay đổi tổ chức bộ máy chỉ đạo chống tham nhũng cũng là để thực hiện mục tiêu này, tạo được chuyển biến rõ rệt, đáp ứng mong đợi của nhân dân.
Nay Ðảng trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng. Ban Nội chính của Ðảng được tái lập, cũng là cơ quan thường trực về phòng chống tham nhũng. Với thể chế chính trị của nước ta thì cách tổ chức bộ máy về phòng chống tham nhũng như vậy là mạnh mẽ nhất rồi và "ra tay" cỡ như vậy cũng đã là cao nhất. Nhân dân đang rất trông chờ kết quả từ quyết sách mới.
Mong đồng bào cử tri và cán bộ, đảng viên đều phải tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao, cả báo chí nữa, đóng góp vào công cuộc phòng chống tham nhũng đạt kết quả theo mong đợi của nhân dân. Tôi tin rằng tình hình sẽ có chuyển biến tích cực tới đây.
* Chủ tịch nước đã có lần nói thẳng với cử tri nếu chống tham nhũng không thành công và kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức như nhận định lâu nay thì ngay bây giờ đã có thể dự thảo được báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 4...
- Dứt khoát phải tiến hành thành công. Ðó là mệnh lệnh của nhân dân. Không thể để nghị quyết trung ương 4 không thành công, là phụ lòng tin của dân, của Ðảng, là không vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Chúng ta không có con đường nào khác, chỉ có một lựa chọn duy nhất là phải thành công.
Cho dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của Ðảng, của chế độ và tương lai tươi sáng của đất nước này.
Nhiều cử tri TP.HCM đã nói thẳng với tôi "một số cán bộ có ăn (hối lộ) thì cũng ăn vừa phải thôi. Ăn hết như thế thì còn đâu để nhân dân ăn", nghe thật xót xa, đau đớn và xấu hổ. Do vậy, nhất định phải làm trong sạch Ðảng, trong sạch bộ máy nhà nước, không còn cách nào khác.
Công tác quản lý cán bộ có vấn đề
* Tuy nhận trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ðinh La Thăng cho rằng quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải VN là đúng. Nhiều cử tri rất than phiền về điều này, chưa kể việc ông Dũng dễ dàng trốn thoát... Thưa Chủ tịch nước, quy trình bổ nhiệm có vấn đề hay vấn đề nằm ở chỗ chọn không đúng cán bộ?
- Không thể đổ cho quy trình làm công tác cán bộ được. Quy trình được xây dựng là để lựa chọn những con người có đức, có tài, không phải để chọn những con người hư hỏng. Không thể nói là làm đúng quy trình, nhưng con người được bổ nhiệm đã hư rồi thì còn nói đúng quy trình gì nữa?
Tôi cho rằng trường hợp này là đánh giá không đúng con người. Trước khi bổ nhiệm phải biết rõ con người dự định chọn là tốt hay xấu. Một người đã hư rồi nhưng bảo không hư, đã hỏng rồi nhưng còn lý giải gì nữa, chắc chắn cử tri sẽ không đồng tình. Ở đây cũng cần xem thấu đáo có phải do không biết các sai phạm trước đó hay do bao che nhau.
Trách nhiệm của người bổ nhiệm trong trường hợp này là đánh giá sai con người. Tất nhiên không phải trường hợp bổ nhiệm, đề bạt nào cũng như thế cả. Nhưng ở đây có thể thấy công tác quản lý cán bộ có vấn đề, cán bộ đã hỏng rồi mà không biết. Ðương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình kiểm điểm theo tinh thần của nghị quyết trung ương 4 tới đây chắc chắn những trường hợp như thế sẽ được làm rõ.

24 thg 6, 2012

Tự ra khỏi Đảng


  Báo Pháp luật TPHCM đăng bài "Tự ra khỏi Đảng lặng lẽ" của tác giả Đinh Văn Quế tôi cho hơi lạ, nhất là trong thời điểm hiện nay.
(PL)- Bà Hoàng Yến bị Quốc hội khóa XIII bãi nhiệm tư cách đại biểu vì đã không trung thực khi khai lý lịch ứng cứ đại biểu Quốc hội.
  Bà từng là đảng viên nhưng không khai điều này. Bà ra khỏi Đảng với hình thức khi chuyển sinh hoạt Đảng bà đã không nộp hồ sơ về địa phương, vì bà “tự thấy mình không còn là đảng viên”. Hình thức ra khỏi Đảng này tạm gọi là “tự ra khỏi Đảng”.
Tình trạng “tự ra khỏi Đảng” theo cách này không phải cá biệt. Tuy chưa có thống kê số lượng trên cả nước là bao nhiêu nhưng nếu thống kê đầy đủ, tôi tin không phải là hai con số. Trước đây, đảng viên bị khai trừ hoặc bị xóa tên mới không còn là đảng viên nữa. Không ai muốn ra khỏi Đảng, vì hai chữ “đảng viên” đối với công dân Việt Nam rất thiêng liêng, họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ. Còn bây giờ, một bộ phận đảng viên không còn thiết tha với Đảng nữa, khi hai chữ “đảng viên” không còn có tác dụng đối với họ thì họ tự ra khỏi Đảng. Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của sự “suy thoái” đối với một bộ phận đảng viên?
Tự ra khỏi Đảng bằng cách không nộp giấy sinh hoạt Đảng và hồ sơ đảng viên cho tổ chức Đảng nơi mà đảng viên được giới thiệu đến sinh hoạt, gồm nhiều đối tượng như công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; cán bộ, nhân viên trong các tổ chức xã hội, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an và quân đội...
Trước đây, đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác chỉ được mang theo “Giấy giới thiệu chuyển sinh hoạt Đảng”. Thậm chí giấy giới thiệu cũng không được mang theo người vì lý do bí mật hoặc đề phòng đảng viên bị hy sinh, bị bắt..., còn hồ sơ đảng viên thì được chuyển qua đường công văn. Khi nhận được hồ sơ đảng viên, tổ chức đảng ở cơ quan, đơn vị mới sẽ tiến hành các thủ tục tiếp nhận đảng viên về sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị mình. Có trường hợp đảng viên chưa kịp về cơ quan, đơn vị mới đã hy sinh…
Hiện, không biết theo quy định nào mà đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng từ nơi này đến nơi khác được mang cả giấy giới thiệu cùng với hồ sơ “gốc” của đảng viên. Vậy là đến cơ quan, đơn vị mới hoặc về địa phương nơi nghỉ hưu, nếu không muốn là đảng viên nữa hoặc “tự thấy không còn là đảng viên nữa”, họ không nộp giấy sinh hoạt và hồ sơ đảng viên là xong! Về nguyên tắc, tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan mới không nhận được giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng thì dù biết chắc người này là đảng viên cũng không được công nhận là đảng viên. Còn tổ chức Đảng ở đơn vị, cơ quan cũ đã chuyển sinh hoạt Đảng cho đảng viên do mình quản lý thì hết trách nhiệm. Quản lý đảng viên như thế thì tình trạng “tự ra khỏi Đảng” sẽ ngày càng nhiều, bởi lẽ: Đảng viên đã nhiều năm công tác, nay được nghỉ hưu có tâm lý không muốn tham gia sinh hoạt Đảng; đảng viên chuyển từ cơ quan, tổ chức nhà nước ra ngoài kinh doanh cũng không muốn là đảng viên nữa, nhất là đối với những người làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài! Việc “tự ra khỏi Đảng” bằng hình thức này không gây ồn ào, bởi họ không “mang tiếng” bị xóa tên hay khai trừ.
Không nộp giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng là hình thức tự ra khỏi Đảng “trong sạch” và dễ dàng nhất mà nhiều đảng viên đang áp dụng.
Đành rằng việc vào Đảng hay ra khỏi Đảng là quyền của mỗi người nhưng khi ra khỏi Đảng cũng nên đàng hoàng, minh bạch. Nếu khi vào Đảng, chi bộ làm lễ kết nạp với đầy đủ thủ tục thì thiết nghĩ, khi một đảng viên muốn ra khỏi Đảng vì lý do sức khỏe hay vì hoàn cảnh cũng nên tổ chức đàng hoàng để ghi nhận những năm cống hiến của đảng viên đó. Cạnh đó, công tác quản lý đảng viên trong trường hợp chuyển sinh hoạt Đảng cũng cần xem lại để tổ chức Đảng nắm được đảng viên khi chuyển sinh hoạt từ nơi này đến nơi khác, không nên để tình trạng đảng viên “tự ra khỏi Đảng” bằng cách không chuyển sinh hoạt Đảng như hiện nay.

23 thg 6, 2012

Khổ hạnh của người tu hành



   Đại đức Thích Tâm Mẫn tên thế tục Lê Minh (SN 1977) quê Quảng Nam. Cũng như bao thanh niên khác mơ ước sau này trở bác sỹ, kỹ sư, thầy giáo, nhưng điều đó không đến sau khi tốt nghiệp lớp 12 thầy nhập ngũ, ra quân ngày 26/6/2004 xuất gia tại chùa Hoằng Pháp Hóc Môn TP HCM và trở thành Tỳ kheo năm 2007.
 Thầy khởi hành từ chùa Hoằng Pháp ngày 2 Tết Kỷ Sửu (2009). Hàng ngày thầy thức dậy từ 3 giờ 30 và 4 giờ lễ lạy theo “Nhất bộ, nhất bái” đến 9 giờ nghỉ. Buổi chiều thầy tiếp tục đi từ 16giờ30 đến 21 giờ nghỉ, ngủ đêm ven đường hoặc ngôi chùa nào gần đó. Mỗi lễ thầy niệm từ 1 đến 2 câu  “Nam mô A Di Đà Phật”. Trong quá trình đi không kể nắng mưa thầy vẫn khổ luyện.
 “Nhất bộ, nhất bái” theo nhà Phật việc bái lạy sẽ giúp tiêu trừ nghiệp chướng, phát triển thiện căn, mang đến sự an lành về thể chất và tinh thần.
   Thầy tâm sự “Có nhẫn thì mới gần được đạo, không nhẫn thì đạo còn rất xa”.  “Nhất bộ, nhất bái” cũng là để cầu quốc thái dân an, phổ độ chúng sinh.
   “Nhất bộ, nhất bái”  nằm trong bốn câu kệ “Sám hối tội lỗi - cầu nguyện hòa bình - Chí đạt quả Phật - Hóa độ chúng sinh” hiểu đến đâu là do giác ngộ không hiểu được không gượng ép.
 Mỗi ngày  thầy chỉ đi được vài km, mỗi khi trên đường gặp tai nạn chết người thầy dừng lại làm lễ cầu siêu để cứu vớt linh hồn người xấu số.
Thầy đi qua tỉnh Hà Nam
  Nếu ai đã từng gặp thầy trên đường “Nhất bộ, nhất bái” bắt gặp khuôn mặt khắc khổ sạm đen vì nắng gió, song đôi mắt ánh lên sự khoan thai. Mặc bàn chân rớm máu trong đôi giày vải, bàn tay chai cứng, hàng ngày thầy vẫn lặng lẽ tu hành.
 Cái đích của thầy là đến núi Yên Tử Quảng Ninh, như vậy chỉ còn hơn trăm cây số, thầy dự tính 4 tháng nữa sẽ đến đất Phật. 

20 thg 6, 2012

Bó tay


    Mấy ngày hôm nay nhà cung cấp dịch vụ internet  được lệnh phong tỏa các blogger, chẳng khác nào như con chim sợ cành cây cong, cứ ngỡ là có người dương cung hại mình. Tại sao lại thế nhỉ?
  Mở blog của chính mình cũng không được, còn nói gì đến viết.  Nhiều người gọi điện tới kêu ca, chia buồn. Dù có vượt tường lửa nhưng không “đăng nhập” cũng bó tay.
  Mùa thi năm nay những người làm giáo dục không khỏi buồn về câu chuyện “Đồi Ngô”, làm tổn thương đến giáo dục, làm hủy hoại cả danh dự quốc gia, song chưa một quan chức có tầm cỡ nào lên tiếng, Phó TT NTN người khởi xướng phong trào “Hai không” cũng im lặng. Có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện này PGS VNC cho rằng đây là vượt đèn đỏ bắt cướp có vi phạm nhưng không đáng để xử lý, các cán bộ lãnh đạo của Bộ giáo dục nghỉ hưu phản đối. 
  Tôi đã nhiều lần coi thi tốt nghiệp ngày ấy chỉ có thi bốn môn, đề giám thị chép lên bảng vất vả lắm ba ngày coi thi chỉ được một bữa ăn tươi, còn toàn cơm cà canh cua rau muống luộc, không có chế độ bồi dưỡng gì, nhưng chúng tôi làm việc rất nghiêm túc đúng quy chế. Còn bây giờ hội đồng coi thi chăm sóc giám thị như chiều vong, bữa nào cũng như tết, tiêu chuẩn nhà nước giám thị được đút túi, lại còn hội cha mẹ học sinh có phong bì bồi dưỡng riêng do coi thi vất vả. Tôi nhớ cách đây gần hai mươi năm, tôi ở lại làm PCT hội đồng coi thi tốt nghiệp THPT, một thầy hiệu trưởng về làm chủ tịch hội đồng coi thi trường tôi, trước khi thầy về cháu văn phòng gửi chế độ cho thầy, thầy nói:
 Ba ngày tôi về coi thi tiền nhà nước không đủ để tôi ăn hàng ngày. Thầy kiên quyết không nhận.
Kết quả thi TN THPT

Dạy học sinh thế này đây
 Hôm nay xem thông báo kết quả đỗ tốt nghiệp THPT cả nước đạt  97, 63%, Hưng Yên đỗ 99,9% . Cứ thấy cảnh tượng Đồi Ngô đỗ cao có vui gì đâu?  Nếu tình trạng này  tiếp diễn năm sau đỗ cao hơn năm trước thì NGUY CƠ GÌ SẼ ĐẾN?
 Có tờ báo đưa tin trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện miền núi Sơn Tây) tỉnh Quảng Ngãi đạt tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Đây là trường mà năm 2007 không có học sinh nào đỗ tốt nghiệp, thường được gọi là trường 0%. thầy Bùi Thế Giới - hiệu trưởng Trường Đinh Tiên Hoàng - cho biết năm nay trong số 57 học sinh của trường dự thi tốt nghiệp, chỉ có 12 học sinh đạt học lực khá, còn lại đều là học sinh trung bình, đây là khen hay chê?
 Đúng là “BÓ TAY CON GÀ QUAY” mà Sát thủ đầu mưng mủ đã vẽ.

17 thg 6, 2012

Gặp mặt học sinh chuyên Hải Hưng ngày xưa

   Sau hai mươi năm ra trường (1989-1992), các em học sinh lớp Chuyên Toán, Lý, Văn, Ngoại ngữ tổ chức gặp mặt các thầy cô tại resort Côn Sơn. Cuộc gặp mặt đầy xúc động, lâu rồi chúng tôi mới được gặp nhau, có thầy đã đi xa không còn gặp lại.  Tôi không khỏi ngạc nhiên nói với mọi người "Học sinh trường chuyên giỏi quá, không chỉ học tốt mà các em tổ chức rất chuyên nghiệp chẳng khác nào như một đơn vị truyền thông".
 Khóa các em với hơn trăm học sinh, hôm nay gặp lại thầy trò ôn lại chuyện ngày xưa học ở ngôi trường thuộc con phố nhỏ Nguyễn Văn Tố - Hải Dương đối diện Chùa Phong Hanh, lúc ấy trường nhỏ, học sinh ít, thầy trò thuộc hết tên nhau, ai cũng nhắc được ít nhiều kỷ niệm ngày xưa sao vui và tình cảm đến thế, khó mà tìm lại được.
 Các em nay đã thành đạt, nhiều em đã là tiến sỹ, giảng dạy ở các trường đại học có danh tiếng trong nước và nước ngoài, các em vẫn tươi trẻ hồn nhiên như ngày nào chúng tôi dạy.
  Sau lời phát biểu của cô hiệu trưởng Bạch Vân thời ấy nay sắp sang tuổi 80, ai cũng quý mến và kính trọng cô,  duy nhất một hiệu trưởng không là đảng viên, trước lúc nghỉ cô được nhà nước phong tặng Nhà giáo ưu tú. MC giới thiệu tôi phát biểu: "Hội đồng sư phạm trường năng khiếu Hải Hưng ngày xưa, nay là trường chuyên Nguyễn Trãi, đặc biệt là các em học sinh đã cho tôi cách nhìn, cách tư duy, và cách giải quyết vấn đề giúp tôi hoàn thành công việc. Tôi rất tự hào về các em mãi mãi không quên". Cả đêm các em và chúng tôi giao lưu, thức cùng  nhau xem bóng đá.

Đoàn Quan họ Bắc Ninh biểu diễn chào đón đoàn

MC chính là các em

Các lớp trưởng lần lượt báo cáo về các bạn trong lớp hiện nay




Đón tiếp đại biểu tại một nhà hàng

Mc và các thợ săn ảnh

Các thầy cô dạy các em cách đây 20 năm

Các thầy cô và học sinh chuyên ngữ

Cô Bạch Vân hiệu trưởng lúc đó (ảnh giữa)

Lớp trưởng và thầy chủ nhiệm

Thầy trò đến thắp hương ở Đền Kiếp Bạc


Thắp hương tại Đền Chu Văn An


Đêm giao lưu tại resort Côn Sơn

Ôn lại kỷ niệm xưa

Bạn bè ngày xưa


10 thg 6, 2012

Bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc

  Khác với mọi lần, ông đã viết sẵn bài để đọc trước Quốc hội mỗi câu, mỗi chữ là một lời tâm huyết với Đảng và Chính phủ, dù ông chỉ là nhân sỹ
   Qua năm tháng tham gia Quốc hội, tôi nghiệm thấy một Quốc hội như thế nào sẽ có một Chính phủ như thế đó, phương thức hoạt động của Quốc hội là nửa năm triệu tập một kỳ họp nghe bản báo cáo với nội dung chủ yếu là nhìn lại 6 tháng vừa qua, hướng tới mục tiêu 6 tháng tiếp theo. Thời điểm cuối tháng 5, cuối tháng 10 mỗi năm thật lỡ dở để có dịp nhìn lại trọn vẹn từng năm, cứ tập trung vào bản báo cáo 6 tháng một lần khó có thể nhận dạng bức tranh toàn cảnh của đất nước. Với tầm nhìn mỗi nửa năm ấy, bản báo cáo của Chính phủ chỉ nêu lên việc đã làm như những thành tựu đã đạt được, đưa ra một số sai sót yếu kém gắn với những vấn đề nổi cộm dư luận đang quan tâm và đưa ra những giải pháp thường là ngắn hạn, ít mới mẻ.
  Để ngắm bức tranh toàn cảnh cần có độ lùi về không gian và thời gian, hoàn cảnh cho tôi đến nay đã được dự khoảng 20 phiên, đọc chừng 20 bản báo cáo của Chính phủ, bằng cảm quan nghề nghiệp của mình nhận ra cái mạnh, cái chưa mạnh của Chính phủ, mạnh nhất của Chính phủ là khả năng ứng biến, năng lực giải quyết tình huống. 

  Phải chăng đây là sự kế thừa của truyền thống hình thành trong thời chiến. Năng lực ấy đã phát huy tác dụng tích cực khi chúng ta thực hiện mục tiêu chính nghĩa, một đường lối đúng đắn có sự hậu thuẫn về ý chí của toàn dân, lại có tầm nhìn sáng suốt của người đứng đầu. 


  Cái mạnh ấy đã giúp Chính phủ cứ 6 tháng một lần lại vượt qua được những thử thách của thực tiễn, đạt được những mục tiêu ngắn hạn và cũng vượt qua được một kỳ họp cũng là một kỳ chất vấn của Quốc hội để rồi lại dấn thân phấn đấu cho 6 tháng tiếp theo. Vì thế, những thành tựu ấy khó bền vững và những khuyết điểm yếu kém của Chính phủ luôn lặp lại gần như là một điệp khúc không mấy thay đổi qua các bản báo cáo. 

  Nói như vậy tôi hoàn toàn không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ và bộ máy của Chính phủ, cũng như chia sẻ những khó khăn khách quan mà cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính toàn cầu cũng như cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền rất phức tạp mà Chính phủ phải gánh vác.
  Nói như vậy cũng không có nghĩa là xem thường năng lực ứng phó và giải pháp tình huống nhưng chỉ như vậy thì không đủ. Bởi vì nếu cứ tiếp tục như thế này thì mãi mãi chúng ta không thể theo kịp những yêu cầu ngày càng khắt khe của sự phát triển bền vững, cũng như hội nhập với thế giới đang cạnh tranh quyết liệt và đầy những biến động rủi ro. Hơn thế nó cũng không đáp ứng được mong muốn của nhân dân ngày càng có năng lực thể hiện quyền dân chủ của mình mà hoạt động của Quốc hội có trách nhiệm phải đáp ứng.
Một trong những chức năng quan trọng cũng là trách nhiệm nặng nề nhất của Chính phủ là điều hành đất nước ở tầm vĩ mô và mang nội hàm về không gian to lớn lẫn thời gian lâu dài.
  Ta có thể đặt ra những câu hỏi vì sao đất nước đã hòa bình gần 40 năm mà con đường huyết mạch số 1 hay hệ thống đường sắt vẫn gần như thời kỳ Tây cai trị? Vì sao trên lĩnh vực công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lĩnh vực được coi là mục tiêu chiến lược và được Chính phủ đầu tư nhiều nhất, trong đó đặt vai trò là động lực hàng đầu cho các tập đoàn nhà nước lại là lĩnh vực kém thành công nhất? Để nhắc đến một thương hiệu hay một sản phẩm công nghiệp đáng để cho thế giới biết đến thì dường như chưa có còn nhắc đến con số như thất thoát ngân sách khổng lồ gắn với những đổ vỡ của một số tập đoàn như Vinashin, Vinalines thì có ai mà không sót ruột. 
  Trong khi đó như chúng ta vừa thảo luận về nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì chính những người nông dân, ngư dân vốn ít được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, thậm chí phải chịu đựng nhiều rủi ro không chỉ của thiên tai mà của cả môt số sai sót trong điều hành của Chính phủ lại làm nên những thành tựu, những thương hiệu hơn hẳn công nghiệp trên nhiều lĩnh vực quan trọng, thực tiễn đã vượt qua sự chủ động trong tầm nhìn và tầm tay quản lý của Chính phủ. 
  Một ví dụ nữa, đội ngũ cán bộ, công chức được tuyển chọn, đào tạo trong đó dường như ai cũng được bồi dưỡng những khoa học về quốc phòng toàn dân mà vẫn để hiện tượng sử dụng lao động người nước ngoài, cho thuê đất rừng hay khai thác khoáng sản và gần đây nhất là nuôi hải sản ngay tại những vị trí trọng yếu an ninh quốc gia đều vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bộ máy nhà nước. 
  Nhìn vào bản đồ quốc gia, chúng ta sẽ thấy không ít sự bất hợp lý và lãng phí, hệ quả của mối quan hệ giữa Chính phủ Trung ương và các chính quyền địa phương bị chi phối bởi tầm nhìn của bộ, cũng như sự thỏa hiệp của mối quan hệ xin, cho. Tôi nhấn mạnh mối quan hệ xin - cho đang ngày càng trầm trọng và gây tác hại lớn nhất cho điều hành đất nước, phá hoại những giá trị xã hội tạo nên hiện tượng đáng quan ngại không chỉ là những vụ tham nhũng và thất thoát lớn đã được phát hiện hay không thể phát hiện mà còn là hiện tượng đã được thừa nhận là tham nhũng vặt. 
  Trong khi đó, đối với dân chính bộ máy công quyền ấy lại phải chăng quá khắt khe cảnh giác để rồi hành xử có phần vụng về, thô bạo đối với bộ phận nhân dân làm phương hại đến hình ảnh của một nhà nước của dân, do dân vì dân mà chúng ta đang phấn đấu. Chỉ số lòng tin đối với Chính phủ chưa khi nào được quan tâm tính đến, nhưng chắc chắn không như chúng ta mong muốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế đó, nhưng theo tôi nguyên nhân đáng quan ngại nhất là năng lực lắng nghe của Chính phủ. 
  Nhìn lại một chặng đường dài, thời gian dài hơn mỗi kỳ họp, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều vấn đề đã được cảnh báo đến từ phát biểu của các nhà khoa học hay hoạt động xã hội trong đó có những đại biểu Quốc hội từ rất nhiều cuộc hội thảo về đề tài nghiên cứu v.v... mà Chính phủ chậm tiếp thu để rồi thực tiễn chứng minh những lời cảnh báo đó đã trở thành hiện thực. Năng lực lắng nghe bị hạn chế, phải chăng do Chính phủ chưa tin vào dân, vào những người không nằm trong bộ máy tư vấn gần gũi của Chính phủ liệu có phải là lợi ích nhóm hay không?

Trong những hạn chế của Chính phủ đó có trách nhiệm của Quốc hội, vì sao khi thảo luận về luật Phòng, chống tham nhũng nhiều vị đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội đã can rằng không nên giao trách nhiệm đứng đầu cơ quan này cho cơ quan hành pháp, thế mà chính Quốc hội chúng ta lại thông qua luật để tới nay lại phải sửa lại? 
  Vì sao từ nhiệm kỳ trước Quốc hội, tôi đã thấy các vị đại biểu nêu lên sự cần thiết phải xây dựng luật nhằm quản lý và phát huy vốn của Nhà nước, Quốc hội vẫn chưa tiếp thu? Vì sao khi xảy ra những vụ việc như Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên chẳng thấy Quốc hội sớm vào cuộc? Tại sao xảy ra hiện tượng người Trung Quốc nuôi cá ngay địa bàn quân sự Cam Ranh, người phát hiện chỉ là báo chí? Tất cả các bản báo cáo ngân sách Chính phủ trình Quốc hội đều cho qua thì sự thất thoát ngân sách lớn như thế có trách nhiệm của Quốc hội không?
  Khi nói đến Quốc hội, tôi cũng ý thức được rằng trong đó có cả chính mình. Từ những ý kiến trên, tôi kiến nghị các bản báo cáo mỗi kỳ họp của Quốc hội, của Chính phủ ngoài phần báo cáo như cách viết hiện nay, Quốc hội cần hướng việc giám sát vào những vấn đề nổi bật gắn với tầm điều hành vĩ mô của Chính phủ để thấy những tiến bộ của Chính phủ sau mỗi kỳ họp thông qua đánh giá việc thực hiện những mục tiêu lớn và dài hạn. 
  Cuối cùng, tôi xin nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước, đó là câu đối thời hậu Lê Hoàng Ngũ Phúc và một thời kỳ lịch sử rối ren ông đã nhắc nhở: "Nước lấy dân làm gốc, nước bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng, khi nhiễu sự dân ra gánh vác". 
Thử đặt ra một câu hỏi vào thời điểm này khi nhiễu sự liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử oai hùng của chúng ta không? Đặt câu hỏi đó Chính phủ sẽ thấy nhiều việc cần phải làm. 




7 thg 6, 2012

Nói cho vui


  Nhiều năm nay tôi không đọc báo Nhân Dân, mặc dù đây là tờ báo phát hành số lượng lớn nhất trong các nhật báo, in 8 trang khổ lớn, giá 2500 đồng. Mỗi phòng ban, lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các xã phường … đều mua ít nhất một tờ theo ngân sách nhà nước, có người nói vui "báo Nhân Dân nhưng chẳng có dân nào đọc". Nếu được chọn không ai mua báo này mặc dù đây là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi chưa thấy một quầy báo nào ở ngoài đường có báo Nhân Dân bày bán, nếu làm phép điều tra số lượng lớn dân Việt Nam không biết mặt tờ báo này. Báo Nhân dân được bù lỗ, nhiệm vụ là tuyên truyền, song bài viết không hấp dẫn bạn đọc, lúc nào cũng như dạy người ta, chất lượng mỗi bài viết không cao, sợ nhất là mục Bình luận, quảng cáo nhiều quá. Có nhiều tờ Nhân Dân chưa một ai đọc chuyển sang gói hàng, ưu điểm hơn các báo khác giấy trắng khổ rộng gói hàng tiện lợi.
 Thời ngay nay nhiều người chỉ thích đọc báo mạng, cập nhật nhanh, nhất là bloger cá nhân nói nhiều chuyện trên giời dưới bể mà báo lề phải không có. Hôm qua có một bloger viết: Sao chỉ đưa người đẹp mà không đưa người xấu, tôi nghĩ chuyện đó bình thường khi đọc mới vỡ lẽ: Các người đẹp, người mẫu, ca sỹ bán dâm chưa đầy hai ngày công an tìm ra tú bà và các nàng điếm. Những người xấu như kẻ phá nhà ông Vươn ở Tiên Lãng, đánh phóng viên ở Văn Giang có video clip rõ ràng như thế mà 6 tháng nay vẫn chưa tìm ra bọn tội phạm, Cục trưởng hàng hải Dương Chí Dũng trốn giữa thanh thiên bạch nhật mà không ai biết?
  Trong những ngày họp Quốc hội hiện nay cử tri cả nước không mấy mặn mà, ngày xưa mỗi lần họp sau đó có nhiều chuyển biến trong xã hội, còn bây giờ “Nguyễn Như Vân”. Ngay các buổi truyền hình trực tiếp các đại biểu đại diện cho dân phát biểu thảo luận, các cụ nghỉ hưu không muốn nghe. Mấy kỳ họp trước có ông nghị phát biểu ngô nghê, nịnh bợ bị báo chí và cử tri la ó.  Theo dõi các đại biểu đóng góp ý kiến đều “rưa rứa giống nhau, toàn nhắc đi, sau có người nhắc lại". Tư duy lý luận các ý kiến trên hội trường vào loại thấp kể cả mấy ông Bộ trưởng đăng đàn. 
  Song có những đại biểu như ông Lê Như Tiến (Quảng Trị), ông Dương Trung Quốc (Đồng Nai) … khi phát biểu cả Hội trường im phắc, từ người điều hành đến các vị lãnh đạo nhà nước, cũng như các đại biểu chăm chú lắng nghe như giảng bài trên lớp, vì các ông phát biểu sâu sắc, thâm thúy, có tình có lý, nói thẳng nói thật đúng ý kiến cử tri cả nước mong muốn, quan trọng là không NỊNH ai. 
  Chỉ mong muốn có vài ông nghị như vậy sao khó thế?

5 thg 6, 2012

Xem phim

  Thịt chó là món khoái khẩu của người Việt. Nước ngoài họ cho rằng đấy là sự "man rợ". Bạn tôi gửi bộ phim Nhật Bản Chú chó trung thành, khi xem phim này chắc nhiều người sẽ yêu "Cậu Vàng" như cách gọi của Nam Cao, một bộ phim đầy tính nhân văn